11:06, 05/06/2015

Bâng khuâng ngọn khói chiều

Tôi lớn lên trong thế giới của bao loại mùi. Mùi của ruộng đồng, bùn đất, mùi của mồ hôi cha mẹ, mùi của khói bếp… Sống lâu ngày ở thành phố, với nhiều loại thiết bị hiện đại, đôi lúc tôi quên mất hình ảnh quê nghèo với ngọn khói lam chiều.

Tôi lớn lên trong thế giới của bao loại mùi. Mùi của ruộng đồng, bùn đất, mùi của mồ hôi cha mẹ, mùi của khói bếp… Sống lâu ngày ở thành phố, với nhiều loại thiết bị hiện đại, đôi lúc tôi quên mất hình ảnh quê nghèo với ngọn khói lam chiều. Bất chợt trong chuyến công tác dài ngày, ngang qua một miền quê trong buổi chiều tà, những làn khói bay vút lên ngọn tre làng rồi tan biến vào không khí. Mùi nồng nồng của khói chiều làm tôi nhớ quá.


Không có định nghĩa nào về mùi khói chiều. Đó là một hỗn hợp mùi của ruộng đồng, gạo thơm, của cơm bị cháy sém, hay mùi của những mái tranh ẩm khói, mùi của cá kho quẹt… Và với tôi, đó còn là mùi nhớ, mùi thương. Nó gắn với tuổi thơ của mỗi người.

 


Vào những buổi chiều cuối năm của thời còn cắp sách đến trường, chiều chiều, tôi thường cùng mẹ bì bõm dưới ruộng sâu để cấy lúa. Nhìn những làn khói chiều bắt đầu vương vãi trên từng mái nhà, tôi thường liên tưởng đến buổi cơm tối đầm ấm, đầy ắp tiếng cười. Bữa cơm tối có cá rô đồng kho, có cơm gạo nếp với chén muối mè.


Những năm về trước, khi sự tiến bộ khoa học chưa gõ cửa ghé thăm vùng quê nghèo như quê tôi thì mỗi gia đình đều sử dụng bếp củi. Củi ở đây chính là những loại củi thông, củi ổi, củi xoài… Khi đun cháy, các loại củi tỏa ra bao hương thơm phả vào trong gió. Tôi có thể nhận biết từng mùi từ củi cháy. Đó có khi là mùi ổi chín của củi ổi, mùi ngai ngái của củi thông, mùi hăng hắc của củi ớt…


Kể cũng lạ, mùi khói bếp ấy đã gắn bó với những con người sinh ra và lớn lên từ gốc rạ. Đó như một phần không thể thiếu trong cuộc đời của họ. Lúc còn nhỏ, mẹ tôi thường dậy sớm nhen lửa để nấu những loại cháo nghêu, cháo lươn cho chúng tôi lót dạ đến trường. Mùi khói bếp còn vương trên tóc mẹ, và vương vào lòng tôi bao nỗi nhớ. Đôi lúc dậy sớm học bài, bóng mẹ nhập nhòa trong từng làn khói bếp mà mẹ thường dùng lá tre để nhen lửa.


Những vật dụng ngày ấy thật đơn giản. Chỉ cần hai cục gạch với hai thanh sắt chắn ngang là đã tạo ra một cái bếp để tha hồ nấu nướng. Có khi dùng củi để nấu, có khi dùng rơm… Và tôi thường có phép so sánh nhỏ, thấy cơm nấu bếp củi lúc nào cũng ngon hơn so với cơm nấu bằng điện hay gas.


Tôi vốn là người hoài cổ. Vì vậy, mỗi khi có dịp về quê, ngồi bên ngoại, tôi thường thay ngoại nấu cơm bằng củi ổi, mặc dầu bây giờ nhà ngoại đã có bếp điện và bao thiết bị khác. Sau khi nấu cơm xong, tôi thường dùng than để nướng khoai. Mùi cơm chín sém, mùi khoai nướng hòa với mùi khói bếp mới tuyệt làm sao. Có lẽ vì thế mà mùi khói bếp đã làm biết bao người con đi xa luôn nghĩ và nhớ về nó.


Rồi một mai trở về thành phố, những ngọn khói chiều ấy sẽ phập phồng theo dòng ký ức xa xăm.


THÂN THỊ THANH TRÂM