10:04, 10/04/2015

Ký ức tuổi hai mươi

Mới sáng sớm, Thùy đã gọi điện cho tôi, bảo: "Con Trang nhà tui hè này lại đi "Mùa hè xanh" bà ơi! Năm ngoái đi rồi, năm nay nó tiếp tục đăng ký, lo quá, mà lại đi Tây Nguyên kia chứ! Con gái cứ ham chuyện xã hội, khuyên không nghe, bực ghê!".

Mới sáng sớm, Thùy đã gọi điện cho tôi, bảo: “Con Trang nhà tui hè này lại đi “Mùa hè xanh” bà ơi! Năm ngoái đi rồi, năm nay nó tiếp tục đăng ký, lo quá, mà lại đi Tây Nguyên kia chứ! Con gái cứ ham chuyện xã hội, khuyên không nghe, bực ghê!”. “Ơ, cái bà này, sao lại cản nó. Tốt chứ có sao đâu!”. Tôi trả lời rồi đệm thêm: “Hồi xưa thời đại học, mình có khác gì chúng nó bây giờ! Tuổi trẻ mà, cứ cho nó đi!”. Câu trả lời của tôi hình như đã thuyết phục được Thùy. Chị yên lặng một lát, sau đó bỗng dưng bảo: “Bà nói chuyện thời đại học làm tui nhớ quá à! Hôm nào rảnh, gọi mấy đứa cùng gặp nhau ở đâu đó, ôn chuyện cũ!”. “Nghe hay đấy!” - Tôi đáp, và rồi từ chuyện của Thùy, tự nhiên bao nhiêu hình ảnh của thời sinh viên chợt ùa về...


Đó là quãng thời gian khi miền Nam hoàn toàn giải phóng chưa được bao lâu. Ai đã từng đến với giảng đường đại học trong những năm ấy mới hiểu được sinh viên khổ cực như thế nào. Ngày hai buổi ăn độn bo bo, sắn lát. Đã vậy, đâu phải bữa nào cũng được no. Cá thịt lâu lâu mới có, thức ăn trường kỳ là món canh loãng mà chúng tôi thường đùa là canh “toàn quốc”... Tuy khổ cực nhưng chúng tôi ai cũng tràn đầy ước vọng, khát khao của tuổi mười chín đôi mươi. Trường có phong trào giúp dân, cả lớp chẳng ai vắng mặt. Nào là lên rừng nhổ sắn, mặc cho con vắt búng trên người; nào là xuống ruộng gặt lúa giúp dân, mặc cho đỉa bám vào chân. Tôi có cô bạn sợ đỉa và vắt đến nỗi nhìn thấy nó là mặt tái nhợt. Có bạn, trước khi đi học, chưa bao giờ biết đặt chiếc đòn gánh lên vai, thế mà đi lao động giúp dân dù đau đến rụt cổ, vẫn cố sức gánh lúa. Tối về, người mệt lả, song chúng tôi vẫn lo dạy cho các em (con của chủ nhà) học bài...
Chúng tôi đã đi qua những ngày hè như thế với khúc hát “Nối vòng tay lớn” lúc nào cũng vang lên sôi động. Hết hè, chia tay bà con, từ các cụ, các bà, các bác đến các em, ai cũng rơm rớm nước mắt, dặn dò rằng, mùa hè năm sau cố gắng về đây.


Còn nhớ, vào năm 1979, khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, lớp lớp bạn bè tôi đã hăm hở chuẩn bị lên đường theo Lệnh Tổng động viên trong cả nước. Có bạn đã cắt tay lấy máu viết đơn tình nguyện xin nhập ngũ. Ở khắp các nơi, từ ký túc xá cho đến giảng đường... ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” của nhạc sĩ Phạm Tuyên với lời hát hùng tráng “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới…” đã được chúng tôi hát vang. Ngày ấy, sinh viên trong trường chưa ai có được lệnh nhập ngũ, nhưng tôi lại có người bạn rất thân thời phổ thông lên đường ra trận. Anh chiến đấu vì Tổ quốc và mãi mãi không về...


Thùy, tôi và bao nhiêu sinh viên khác đã có một thời như thế, một thời gian khó như đoạn chảy của một khúc sông, chảy mãi, và bồi đắp cho chúng tôi sự rắn rỏi cùng nghị lực để sống, học tập, cống hiến.


Thùy ơi! Hãy để cho con gái bạn được làm những việc mà tuổi trẻ cần làm - như chúng mình đã từng đi qua ngày xưa...


NGỌC ANH