12:03, 16/03/2014

Tiếng rao khuya


Đã gần một năm kể từ khi tôi trở thành cư dân của xóm trọ, đêm nào cũng vậy, cứ khoảng hơn mười giờ lại nghe tiếng rao ấy. Tiếng rao của một giọng nữ. Tiếng rao chơi vơi, cô quạnh cất lên trong lòng đêm, như một nỗi khắc khoải cứ lặp lại từng chập, rõ dần rồi xa dần...

“Ai... bánh ú. Hột vịt l...ộn...ộn không?”


Đã gần một năm kể từ khi tôi trở thành cư dân của xóm trọ, đêm nào cũng vậy, cứ khoảng hơn mười giờ lại nghe tiếng rao ấy. Tiếng rao của một giọng nữ. Tiếng rao chơi vơi, cô quạnh cất lên trong lòng đêm, như một nỗi khắc khoải cứ lặp lại từng chập, rõ dần rồi xa dần... Tiếng rao như một hơi thở dài làm xao động không gian yên ắng của xóm trọ trong giây lát rồi tan loãng trong cái mông lung của đêm đen...


Qua một năm ở thành phố này, tôi đã được nghe biết bao tiếng rao. Mỗi sớm tinh mơ là tiếng rao “Ai... bánh mi...ì nóng ơ!” hối hả như hối thúc mọi người, hối thúc những cô bé, cậu bé mau ăn sáng để kịp đến lớp. Thỉnh thoảng lại gặp tiếng rao “Ai mài dao, mài kéo khô...ông?” của ông lão mài dao. Tiếng rao trầm đục, mệt mỏi của tuổi xế chiều như chính những con dao, chiếc kéo đã mòn vẹt theo thời gian. Tiếng rao nghe vang, dứt khoát, chắc nịch như sản phẩm và bản tính chân chất của người nông dân vào phố rao bán thớt me, đũa tre. Tiếng rao mua nhôm nhựa phế thải của những dì, những chị ngắn gọn, nhỏ nhẹ... Những tiếng rao theo vòng bánh xe, theo bước chân dặm dài giẫm qua mọi ngõ ngách của thành phố trên đường mưu sinh mang nhiều cung bậc khác nhau. Nhưng những tiếng rao ấy không có sức gợi vì bị hòa lẫn trong tạp âm của thành phố ban ngày. Đọng lại trong tôi chỉ là những dáng dấp bợt bạt dãi dầu mưa nắng.


“Ai... bánh ú. Hột vịt l...ộn...ộn không?”. Tiếng rao khuya neo vào lòng tôi đã gợi biết bao điều... Tiếng rao như một thứ gia vị gia thêm vào nỗi lòng để những đêm trọ học xa nhà thêm ngùi ngùi thương nhớ người thân, để cánh cò ăn đêm trong ca dao trắng xóa giấc mơ tôi...


Đêm nay, nơi miền quê khoác tấm áo xanh tươi mà chứa trong lòng bao nỗi lo toan của những bậc làm cha mẹ. Giờ này chắc cha đang chong đèn bên trang giấy. Ngày, cha cày trên đồng. Đêm, cha cày trên giấy, vắt từng giọt lao tâm để đổi lấy đồng nhuận bút cho con bữa cơm sinh viên nghèo thêm được miếng cá, lát thịt. Đêm nay, giờ này chắc mẹ vẫn còn ngồi lận tay đan từng cọng mây gia công. Mỗi mắt đan dưới tay mẹ gửi gắm biết bao tình thương con. Nói thế chứ tính làm sao được. Mỗi sản phẩm gia công dù có muôn nghìn mắt đan cũng đâu sánh được tình mẹ thương con ngày rộng tháng dài...


“Ai... bánh ú. Hột vịt l...ộn...ộn không?”. Tiếng rao chỉ còn văng vẳng xa đưa... Tiếng rao xa rồi mà dư âm như còn vương vất đâu đây. Để đứa con xa nhà đêm nay nghe lòng chợt ngùi ngùi... Cầu mong đêm nay chị về sớm hơn mọi đêm với gánh hàng nhẹ tênh trên vai. Nơi ấy chắc rằng có đứa con ngủ gật đợi mẹ về gặp trong mơ trắng xóa cánh cò...

 

TRẦN XUÂN THỤY