05:03, 29/03/2014

Hoa tháng ba

Một ngày tình cờ đi ngang qua con ngõ nhỏ nằm khép mình yên tĩnh nơi góc phố hiền hòa. Lâu lắm rồi không ghé lại đây nhâm nhi ly cà phê buổi sáng, bất chợt bắt gặp những cánh hoa li ti, mỏng tang tự bao giờ rụng tím lối đi, giữa xao xác gió. Bỗng nghe lòng xốn xang đến lạ.

Một ngày tình cờ đi ngang qua con ngõ nhỏ nằm khép mình yên tĩnh nơi góc phố hiền hòa. Lâu lắm rồi không ghé lại đây nhâm nhi ly cà phê buổi sáng, bất chợt bắt gặp những cánh hoa li ti, mỏng tang tự bao giờ rụng tím lối đi, giữa xao xác gió. Bỗng nghe lòng xốn xang đến lạ. Ôi, hoa xoan tháng ba! Những cánh hoa bâng khuâng như nói thay khúc giao mùa, khe khẽ đung đưa, mang theo mùi hương ngai ngái, dìu dịu, đẹp đến nao lòng.


Tháng ba! Có điều gì vừa quen, vừa lạ, vừa hối hả, vừa thong dong. Cô bán hàng rong quày quả quang gánh đi ngang, vừa đánh rớt một tiếng rao thao thiết. Gánh hàng hôm nay không phải là mớ rau củ, trái cây vườn nhà, không phải những thức quà vặt làm mê hoặc trẻ con, mà là... bông bưởi. Cái chất quê tinh túy, hồn hậu ấy sáng nay đã ra phố, tiếng rao vì thế cũng như trong hơn, ngọt ngào hơn. Những bông bưởi của khu vườn tháng ba mang theo lời quê thơm thảo, đang chúm chím nhoẻn những nụ hoa đầu, còn vương vấn sương mai, cứ bâng khuâng hai đầu quang gánh. Xưa kia, ở những miền quê, bông bưởi là thứ “nước hoa” không thể thiếu của những cô gái mười tám đôi mươi điểm tô cho mái tóc dài, đen mượt. Đến nỗi, mùi hương của loài hoa chân chất ấy từng ám ảnh biết bao trái tim của những chàng trai trẻ buổi đầu chạm ngõ yêu thương. Để rồi, lưu luyến mãi trong chuỗi ngày xa cách, hương hoa vẫn thao thức, bồi hồi như đêm nào hò hẹn, để nhớ đến cồn cào cái tựa đầu bẽn lẽn của người yêu. Ngày nay, ở phố, bông bưởi người ta dùng để ướp trà nên sang trọng hơn trong những buổi hàn huyên, nó trở thành món quà tao ngộ của những người bạn quý mỗi khi ghé thăm nhà. Chỉ cần thế thôi, tháng ba cũng nồng nàn quá đỗi.


Tháng ba còn mang theo rợp trời hoa gạo đỏ. Loài hoa từng sở hữu nhiều tên gọi quý phái như mộc miên, pơ lang, như một cách để người ta tán dương vẻ đẹp trữ tình của một loài hoa thường chọn cho mình chốn đồng quê chiêm trũng để khoe sắc. Loài hoa ấy không biết bao nhiêu lần đi vào thơ ca, kết thành bao giai điệu âm nhạc, đi ra chiến trường trong hành trang nỗi nhớ của người lính... Có lẽ, chỉ những người con bước chân ra đi từ những miền quê nghèo mới hiểu được đến tận cùng và nhớ đến mông mênh loài hoa mộc mạc. Bởi, không biết từ bao giờ, cây gạo đã nghiễm nhiên mọc ở đầu làng, nghiễm nhiên chứng kiến bao cuộc tiễn đưa của những người vợ, người mẹ mỗi bận chồng, con đi xa. Vậy nên, đến bây giờ, trong tâm thức của bao con người xa quê, hoa gạo là một biểu tượng của nơi chôn rau cắt rốn, để ai ai cũng hối hả quay về nhận mặt quê hương sau chuỗi ngày xa cách.


Và sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến hoa sưa, loài hoa mang dáng vẻ nhu mì, đài các, đẹp đến ngỡ ngàng. Những cánh trắng tinh khôi, mong manh trong hạt mưa phùn bay lất phất, cứ thế mềm mại, e ấp, nghiêng xuống nồng nàn hai vai. Ai đó đã từng nói, vẻ đẹp của hoa sưa chỉ dành cho những tâm hồn tinh tế, biết nâng niu cái đẹp, quan trọng hơn là phải nhạy cảm với mùa hoa để có thể trải lòng cùng những khoảnh khắc hiếm hoi giữa bốn mùa. Có lẽ, vì chưa một lần được chiêm nghiệm, nâng niu từng cánh hoa lung linh, trắng muốt nên có một cô bé từng chạnh lòng, thủ thỉ với người yêu: “Thành phố chúng mình không có hoa sưa/Để em hóa nàng thơ, anh tập làm thi sĩ/Ôm vào lòng tháng ba mộng mị/Dịu dàng kể chuyện tình yêu...”.


Hoa tháng ba mang đầy đặn trong mình nét dịu dàng, lãng mạn. Mỗi loài hoa là mỗi gam màu của thế giới đa sắc, chất chứa những nỗi niềm hoài cảm riêng. Để rồi nên thơ, nên nhạc, nên bao huyền thoại của những cuộc tình. Dù buồn, dù vui thì những kỷ niệm về tháng ba vẫn đong đầy trong nỗi nhớ. Và nhớ đến tháng ba là nhớ về một mùa hoa đẹp đến nao lòng...


NGÔ THẾ LÂM