- Các tổ đặt hết báo đã chuẩn bị lên trước mặt nào!
Cô giáo dạy văn vừa dứt lời, cả lớp ồn ào hẳn lên. Tiếng lục cục trong hộc bàn, tiếng loạt xoạt, thì thầm hỏi nhau. Chả là hôm nay học bài Phong cách ngôn ngữ báo chí. Cô dặn học sinh đem đến một tờ báo em biết. Giờ cô điểm qua bài về nhà của cả lớp.
- Các tổ đặt hết báo đã chuẩn bị lên trước mặt nào!
Cô giáo dạy văn vừa dứt lời, cả lớp ồn ào hẳn lên. Tiếng lục cục trong hộc bàn, tiếng loạt xoạt, thì thầm hỏi nhau. Chả là hôm nay học bài Phong cách ngôn ngữ báo chí. Cô dặn học sinh đem đến một tờ báo em biết. Giờ cô điểm qua bài về nhà của cả lớp.
Các tờ báo được đặt trên bàn. Mỗi học sinh hồi hộp dõi theo ánh mắt và vẻ mặt của cô. Cũng không nhiều loại báo lắm: Nhân dân, Lao động, Pháp luật, An ninh, Giáo dục và Thời đại và... một cái ipad. Cô dừng bước. Chủ nhân của nó - Kiên - ngước mắt nhìn cô, trình bày:
- Em không kiếm được báo giấy. Em đem báo trong ipad đến thôi ạ.
Cả lớp cười ồ lên. Kiên chuyên nghĩ ra các trò quậy cho giờ học tưng bừng, lúc thì nói chuyện, lúc làm bài tập toán trong giờ văn hay nhắn tin, làm thơ trong giờ toán. Tóm lại, cô văn hay thầy toán đều phải chú ý đến nó.
Trái với suy nghĩ của cả lớp, cô đi lên bục giảng và nói với giọng bình thản:
- Chúng ta đã học xong bài học. Trong giờ học, chúng ta đã áp dụng tìm hiểu và ghi nhớ kiến thức về đặc điểm ngôn ngữ, chức năng, vai trò của báo chí trong việc phản ánh những sự kiện của cuộc sống đương thời. Đồng thời, các em cũng đã nắm được đặc điểm ngôn ngữ báo chí, một vài thể loại chính của phong cách ngôn ngữ này. Các tờ báo các em đem đến là minh họa cụ thể lý thuyết về báo chí. Riêng bạn Kiên đem đến một tờ báo trong ipad, đó cũng là điều mà trong sách giáo khoa và cô còn chưa nói kỹ hơn. Giờ là thời 4.0, thời của công nghệ thông tin, bên cạnh báo in còn có báo điện tử. Nên “báo ipad” của Kiên... được chấp nhận!
Có tiếng thở ra nhẹ nhõm của Kiên. Nó quay lại, vênh mặt với tụi bạn. Cả lớp vỗ tay. Cô giáo mỉm cười, nói giọng thủ thỉ:
- Tuy nhiên, cô vẫn khuyến khích các em tìm đọc thêm báo in. Ở thư viện trường, thư viện xã có báo. Ngoài ra, các em cũng cần nghe các chương trình truyền thanh để nắm bắt mọi vấn đề thời sự. Điều này giúp các em có thêm hiểu biết về thực tế cuộc sống, không lạc hậu trước cuộc sống, có chính kiến về mọi vấn đề quanh ta. Sang năm học lớp 12, các em sẽ học nghị luận hiện tượng đời sống. Các em cần có vốn kiến thức và vốn sống để giải quyết tốt nội dung đề thi yêu cầu.
- Cô ơi!
Có tiếng Vân khe khẽ. Cô giáo quay về góc nó:
- Dạ! Cô coi tờ báo của bạn Ngôn đi ạ!
Cô giáo hơi ngạc nhiên, nhưng rồi cô tươi cười bước về phía cuối lớp và dịu dàng:
- Đâu, báo Ngôn mang đến đâu, cho cô coi nào?
Ngôn mở quyển atlat địa lý, lấy ra một tờ báo đã ố vàng, kẹp ở trong. Nó cẩn thận trải tờ báo lên mặt bàn và ngồi cúi mặt xuống.
Đó là một tờ Báo Tiền Phong in vào năm 1986. Cô ân cần hỏi:
- Sao Ngôn có tờ báo cũ quý thế này? Em kiếm đâu ra?
- Dạ, báo này ông em cất. Em xin ông cho mang đến lớp ạ.
- Sao ông em giữ tờ báo này kỹ thế? Chắc ông có kỷ niệm gì à?
- Dạ! Ngôn khẽ thưa.
Cô giáo nâng tờ báo lên, đưa cho cả lớp nhìn.
- Đây là tờ Tiền Phong in năm 1989. Nghĩa là nó còn hơn tuổi các em. Báo này của ông Ngôn. Em có thể kể ngắn gọn vì sao ông em có và giữ tờ báo này lâu vậy không?
Ngôn đứng lên. Nó khẽ ngước mắt ra ngoài khung cửa sổ, nơi cây xà cừ xanh tốt lòa xòa tán lá. Hít một hơi thở sâu, nó cất tiếng run run:
- Tờ báo này có bài của ông Tuân, cùng dạy một trường với ông em. Ngoài dạy học, ông còn viết bài, viết tin gửi báo. Trường ở sâu trong buôn làng, lớp học chỉ là cái lán dựng tạm, chỗ ở của giáo viên thì bà con che tạm bên cạnh phòng lớp học kia. Buổi trưa, nắng nóng lắm, ông em và hai người bạn nằm ngả lưng trên chiếc nong tre cho mát. Ông Tuân có chụp hình ảnh kèm bài viết rồi gửi đi. Sau khi báo đăng, mọi người xôn xao, một đài ở nước ngoài cóp luôn ảnh và bài rồi tung tin bài báo “đời sống giáo viên cực khổ, phải nằm ngủ trên nong”. Thế là ông Tuân bị phê bình. Phải sau mấy tháng nhờ các nhà báo trên tỉnh, ông em và mọi người trong trường viết đơn kiến nghị, ông Tuân được minh oan. Ông tặng tờ báo này cho ông em khi về quê ngoài Bắc sinh sống.
Ngôn kể xong, cả lớp im phăng phắc. Cô giáo đưa lại cho nó tờ báo và nói:
- Các em thấy đấy, đó là một kỷ niệm sâu sắc của ông bạn Ngôn liên quan đến một bài báo, đến số phận con người nữa. Nghề làm báo cũng như mọi nghề khác, vẫn có những sự cố bất ngờ xảy đến. Nghề báo là nghề nguy hiểm. Khi đi tìm hiểu, khám phá vấn đề định viết, rồi khi giải quyết vấn đề, nhất là viết về các mảng tiêu cực của xã hội… thì càng dễ gặp nguy hiểm hơn. Cũng nhờ báo chí mà có rất nhiều vụ việc tiêu cực được phát hiện, xử lý để đem lại sự ổn định, công bằng cho xã hội. Ngày nay, thông tin trên mạng rất nhiều nguồn, các em cần thận trọng đọc và sàng lọc, nhất là không tự ý sao chép, chia sẻ các tin bài không chính thống. Giờ các em cất báo và sách vở gọn lại, về nhà suy nghĩ và tự thiết kế một mẫu tờ báo tường theo các mục chính của báo nhé.
Tiếng trống báo hết giờ. Cả lớp đứng dậy chào cô. Cô chào lại và bước ra cửa lớp. Kiên kéo tay Ngôn, chạy nhanh theo cô:
- Cô ơi! Em làm nhà báo có được không ạ? Kiên láu táu hỏi.
- Em hả? Cô dừng lại, nhìn nó mỉm cười. Cô chưa kịp nói gì, nó đã vội nói tiếp:
- Tất nhiên em sẽ rèn luyện sức khỏe, học tốt và nay mai sẽ thi ngành báo chí. Em sẽ dũng cảm! Bạn Ngôn nhát lắm, có chuyện gì em sẽ bảo vệ bạn ấy!
Kiên nắm tay Ngôn giật giật, Ngôn lúng túng nhìn cô giáo rồi lại cúi xuống, ngượng ngập.
Suýt nữa thì cô giáo phì cười nhưng nhìn ánh mắt của Kiên, cô chỉ mủm mỉm, mắt lấp lánh những tia vui vui:
- Rồi, cô tin và chúc em rèn luyện, trở thành nhà báo nhé!
. Truyện ngắn của Bích Thiêm