20:52, 21/07/2023

Những sắc màu văn hóa Khánh Hòa

GIANG ĐÌNH

Ngày 19-7, sau buổi lễ vinh danh tác giả được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, nhạc sĩ Hình Phước Liên đã gửi tặng chúng tôi tập sách “Khánh Hòa - những sắc màu văn hóa” vừa mới phát hành, với sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh. Tập sách dày gần 250 trang, khổ 16x24cm, do Nhà Xuất bản Hồng Đức xuất bản. 

Tự nhận mình không phải là một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, nhưng tập sách của nhạc sĩ Hình Phước Liên lại mang đậm tính chất biên khảo. Thông qua 16 bài viết trong tập sách, độc giả có thêm những góc nhìn, kiến thức chuyên sâu về tục thờ Thiên Y Thánh Mẫu, Đức Thánh Trần, lễ hội Cầu ngư, những tập tục, lễ hội, âm nhạc của dân tộc Raglai, Ê đê, Hoa trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đó là những bài viết về lễ hội dân gian của người Kinh ở Khánh Hòa như: Lễ tế kỳ an, lễ hội Cầu ngư, lễ hội Tháp Bà Ponagar, lễ hội Am Chúa, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ Đức Thánh Trần; những bài viết về lễ bỏ mả, lễ ăn đầu lúa mới của đồng bào Raglai; về các nhạc cụ dân tộc truyền thống của đồng bào Ê đê, Raglai như chiêng, mã la, đàn đá…; phong tục thờ cúng trong một số chùa, hội quán của người Hoa trên địa bàn tỉnh.

<br>
 

 Qua tập sách, tác giả cũng đã chỉ cho độc giả thấy được nét khu biệt trong các lễ hội dân gian ở Khánh Hòa đó chính là sự phối thờ, phối tế. Khi tổ chức cúng làng, người dân đồng thời cúng các vị thần mà làng có tổ chức thờ tự. Hoặc khi đọc về lễ hội Cầu ngư, chúng ta biết đó thực chất là ngày giỗ cá voi mà người dân vùng biển tôn kính gọi là Ông Nam Hải. Viết về lễ hội Tháp Bà Ponagar, nhạc sĩ Hình Phước Liên dành sự quan tâm đến đặc điểm quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa người Kinh và người Chăm. Qua đó, người đọc hiểu hơn về nữ thần Pô Inư Nagar - Mẹ xứ sở của người Chăm và Thiên Y Ana Thánh Mẫu của người Việt… Tập sách còn giới thiệu đến độc giả đầy đủ từng nghi thức, quy trình thực hành các nghi thức; nội dung các bài văn tế; cấu trúc thờ tự ở một số di tích… khá chi tiết. Tương tự như vậy, những bài viết về lễ hội, văn hóa, âm nhạc của đồng bào Raglai, Ê đê trên địa bàn tỉnh, tác giả đã cố gắng cung cấp cho độc giả những thông tin chi tiết, cụ thể và rất thực tiễn.

Nhạc sĩ Hình Phước Liên từng có nhiều năm công tác trong ngành Văn hóa nên mỗi bài viết trong tập sách đều chứa đựng những sự tìm hiểu, nghiên cứu kỹ của tác giả. Đặc biệt, có nhiều bài viết là sản phẩm từ những chuyến đi điền dã của tác giả nên rất sinh động, chân thực. Bên cạnh đó, với vốn kiến thức về âm nhạc dân tộc khá sâu rộng, nhạc sĩ Hình Phước Liên đã có những phân tích, lý giải về nhiều khía cạnh khác nhau của âm nhạc, nghệ thuật diễn xướng, nhạc cụ… một cách chuyên sâu. Có thể thấy, tập sách đã góp phần cung cấp thêm những nguồn thông tin, tư liệu quý về bản sắc văn hóa xứ Trầm - biển yến cho những ai quan tâm, yêu mến mảnh đất này.

GIANG ĐÌNH