23:32, 02/06/2023

Ấn tượng không gian văn hóa dân tộc thiểu số

Giang Đình

Trong khuôn khổ chương trình Festival Biển 2023, Bảo tàng Khánh Hòa phối hợp với Bảo tàng Đắk Lắk thực hiện triển lãm “Đặc trưng văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”. Triển lãm giới thiệu đến công chúng những nét văn hóa độc đáo trong đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào nơi đây.

Những hiện vật giá trị

Tại triển lãm, công chúng được tiếp cận hơn 300 hiện vật, hình ảnh giá trị liên quan đến đời sống, sinh hoạt của đồng bào Êđê, M’Nông, Bana, Giarai, Raglai… Thông qua các chủ đề về: Nông nghiệp, săn bắt, đánh cá; kiến trúc nhà ở; nghề thủ công truyền thống; âm nhạc, cồng chiêng; nghi lễ, lễ hội đã giới thiệu khái quát những nét đặc trưng nhất trong đời sống văn hóa các DTTS dưới bóng đại ngàn Trường Sơn. Đó là hình ảnh lễ cúng bến nước, lễ ăn cơm mới, lễ cưới, lễ mừng thọ, lễ bỏ mả… mang những ý nghĩa riêng trong cuộc sống đồng bào. Ở đó còn có những hiện vật gốc, hình ảnh giới thiệu về nghề săn bắt, thuần dưỡng voi; những dụng cụ bằng tre nứa phục vụ cuộc sống lao động của người dân; những bộ chiêng bằng đồng, chiêng tre, kèn bầu, kèn đing năm, đàn T’rưng; nghề dệt vải truyền thống, nghề làm gốm; kiến trúc nhà rông, nhà dài… Ông Laurent Duval - Phó Chủ tịch Cộng đồng đô thị Lorient, Thị trưởng TP. Languidic (tỉnh Morbihan, Pháp) nhận xét: “Những hiện vật, hình ảnh được triển lãm thật độc đáo. Qua đây, tôi biết thêm về những giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân cư ở Việt Nam. Ở TP. Languidic cũng thường diễn ra những hoạt động văn hóa cộng đồng; tôi sẽ cố gắng để liên hệ mời các bạn đến giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống của các bạn tại thành phố của chúng tôi”.

Hai nghệ nhân người Êđê đến từ tỉnh Đắk Lắk giới thiệu các loại nhạc cụ được làm từ tre nứa và nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Hai nghệ nhân người Êđê đến từ tỉnh Đắk Lắk giới thiệu các loại nhạc cụ được làm từ tre nứa và nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Theo ông Đinh Một - Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk, tham gia triển lãm lần này, đơn vị mang đến 87 hiện vật, 64 hình ảnh tái hiện một cách chân thực, sinh động những nét đẹp văn hóa truyền thống, cùng với đó là 11 bài viết giới thiệu ngắn gọn, dễ hiểu những đặc trưng văn hóa trong cộng đồng các DTTS Tây Nguyên. Thông qua hoạt động này, Bảo tàng Đắk Lắk muốn gửi đến người dân, du khách ở Nha Trang - Khánh Hòa những giá trị, nét độc đáo trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào Tây Nguyên. Còn ông Nguyễn Thanh Phong - Giám đốc Bảo tàng Khánh Hòa cho biết, do điều kiện không gian triển lãm ở trong nhà hạn chế nên chỉ có thể giới thiệu được hơn 300 hiện vật, hình ảnh tiêu biểu. Qua đó, khách tham quan có cái nhìn tổng quát những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc. Không gian triển lãm các hiện vật, hình ảnh ở trong nhà sẽ kéo dài đến ngày 30-8.

Nhiều hoạt động ngoài trời

Trong những ngày diễn ra Festival Biển 2023, không gian ngoài trời ở Bảo tàng Khánh Hòa diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi. Ở đó có khu vực giới thiệu, trình diễn nghề dệt vải thổ cẩm bằng khung dệt buộc lưng của đồng bào Êđê; nghề chế tác các nhạc cụ bằng tre nứa với sáo, kèn, đàn môi, đàn T’rưng; nghề làm nỏ, đan gùi, làm đàn Chapi của đồng bào Raglai; khu vực giới thiệu sản phẩm trầm hương; khu vực hướng dẫn trẻ em làm đồ thủ công và chơi các trò chơi dân gian… “Đây là lần đầu tôi giới thiệu nghề dệt của đồng bào Êđê tại TP. Nha Trang. Tôi muốn cho mọi người biết rõ hơn về cách làm nên một tấm vải đẹp để may trang phục truyền thống của người Êđê. Được mọi người đến xem, quan tâm hỏi chuyện, tôi thấy rất vui”, nghệ nhân Amĩ H’Loan (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết.

Những vị khách nước ngoài rất thích thú khi tìm hiểu về văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tại triển lãm.
Những vị khách nước ngoài rất thích thú khi tìm hiểu về văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tại triển lãm.

Khu vực sân khấu ngoài trời, khách tham quan có thể xem các tiết mục biểu diễn nhạc cụ đàn đá, mã la, múa hát dân gian do các thành viên đội văn nghệ Raglai ở huyện Khánh Vĩnh thực hiện. Những âm thanh của núi rừng đại ngàn, những vũ điệu uyển chuyển của các thiếu nữ Raglai đã tạo nên những ấn tượng đẹp trong cảm nhận của mỗi người. Ngoài ra, Bảo tàng Khánh Hòa còn liên hệ với Hội Sinh vật cảnh tỉnh để trưng bày hơn 50 chậu cây cảnh, bon sai với nhiều dáng thế, chủng loại cây đa dạng; tổ chức các hoạt động trải nghiệm dành cho thiếu nhi như: Làm trang sức thủ công bằng các hạt cườm, tập kỹ năng may vá quần áo, làm đồ trang trí, những món quà lưu niệm từ len…

Bà Hoàng Thu Hồng Loan - khách du lịch đến từ TP. Hà Nội cho biết: “Việc tổ chức những hoạt động biểu diễn, trình diễn về các loại hình văn hóa, nghề thủ công truyền thống của đồng bào các DTTS thật ý nghĩa. Qua đây, mọi người, nhất là giới trẻ biết nhiều hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người dân đang sinh sống ở khu vực miền núi, cao nguyên”. 

Giang Đình