Từ khi Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (huyện Cam Lâm) đi vào hoạt động đến nay, nhóm thuyết minh viên ở khu tưởng niệm này vẫn thầm lặng với công việc lan tỏa những câu chuyện lịch sử về Gạc Ma đầy xúc động đến hàng ngàn lượt du khách, góp phần khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc đến các thế hệ.
Cơ duyên gắn bó với khu tưởng niệm
Có mặt ở Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma trong buổi lễ kết nạp đảng viên của Đảng ủy Sở Tài chính vào một ngày cuối tháng 4, chúng tôi được nghe chị Trần Nguyễn Thảo Trang - thuyết minh viên ở khu tưởng niệm kể về câu chuyện lịch sử, căn cứ pháp lý qua các thời kỳ để chứng minh quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam và sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988. Với giọng nói truyền cảm, nhẹ nhàng, xúc động của chị Trang, nhiều người đã không cầm được nước mắt khi nghe kể về những bức thư, kỷ vật cuối cùng của các chiến sĩ hải quân, hay hành trình tìm ảnh cho liệt sĩ Trần Quốc Trị…
Chị Trần Nguyễn Thảo Trang thuyết minh tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. |
Trò chuyện với chị Trang, chúng tôi được biết, ở Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma có 3 nữ thuyết minh viên. Các chị đều có công việc riêng và làm thuyết minh viên cũng từ những cơ duyên bất ngờ. Chị Trang và chị Lê Thị Thanh Tâm là giáo viên dạy môn Lịch sử ở Trường THCS Lương Thế Vinh (xã Cam Hòa, Cam Lâm). Từ một lần tình cờ được thầy hiệu trưởng về hưu làm công tác quản lý tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma nhờ trợ giúp thuyết minh cho các đoàn khách, đến nay, các chị đã trở thành thuyết minh viên bán chuyên trách. Mỗi khi có đoàn khách đến tham quan khu tưởng niệm, các chị được nhà trường sắp xếp lịch dạy xen kẽ, thay thế nhau để thuận lợi trong việc thuyết minh cho các đoàn. Tương tự, chị Lý Thị Ngọc Mai - chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cam Lâm, nhờ có chuyên môn vững vàng, chất giọng Huế nhẹ nhàng và truyền cảm nên sau những lần thuyết minh thử, được sự hỗ trợ của Huyện ủy, chị Mai đã được tạo điều kiện để làm thêm công việc thuyết minh tại khu tưởng niệm vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật.
Tự hào tiếp nối “dòng chảy” lịch sử
Chị Mai chia sẻ, để có thể thuyết minh tại khu tưởng niệm, ngoài việc tìm hiểu thật kỹ, sâu sắc các tài liệu do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, các chị còn phải tự tìm tòi, đọc thêm từ nhiều tư liệu, đi thực tế ở nhiều nơi để biết thêm những câu chuyện về các liệt sĩ. Nhiều đoàn khách lần đầu đến khu tưởng niệm, thấy cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” rất đẹp, linh thiêng nhưng chưa hiểu hết ý nghĩa những chi tiết. Do đó, các chị đã giới thiệu tường tận hình ảnh cụm nhân vật ở tượng đài, lý do trên tượng đài không hề có một vũ khí nào, tại sao tượng đài có hình sóng biển cuồn cuộn giữa thân các anh... Hay như câu chuyện về lá thư cuối cùng của liệt sĩ Trần Văn Phương viết trước lúc hi sinh; liệt sĩ Trần Đức Thông dịp nghỉ phép đã xin cho con nghỉ học một tuần để đi chơi cùng con, và sau lần đó, anh đã không trở về nữa…
Còn chị Tâm chia sẻ, trong những lần thuyết minh, điều làm chị xúc động và cảm thấy may mắn là được gặp thân nhân các liệt sĩ, những người có mặt tại sự kiện Gạc Ma năm ấy. Qua những năm tháng làm thuyết minh viên càng bồi đắp thêm cho chị vốn kiến thức quý báu. Khi càng tìm hiểu sâu về lịch sử, câu chuyện về các liệt sĩ, chị đều cảm thấy may mắn và tự hào khi được góp phần lan tỏa, tiếp nối mạch nguồn lịch sử đến các thế hệ.
Ông Võ Duy Trúc - Giám đốc Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma cho biết, từ thời điểm hoàn thành và đón du khách vào ngày 15-7-2017 đến nay, khu tưởng niệm đã đón hơn 550.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu, tham quan. Các thuyết minh viên là thành phần rất quan trọng của khu tưởng niệm, góp phần giới thiệu, tái hiện lịch sử để người dân và du khách hiểu rõ, trân trọng công lao của các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh, khơi dậy lòng yêu nước trong lòng mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.
THÁI THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin