22:17, 09/05/2023

Festival Biển 2023: Nhiều hoạt động cộng đồng và sắc màu truyền thống

Giang Đình

Trong danh sách chương trình Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2023 mới nhất đang chờ UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét phê duyệt, có nhiều hoạt động, sự kiện mang đậm giá trị gắn kết cộng đồng, huy động sự tham gia của đông đảo người dân; đồng thời giới thiệu đậm nét những giá trị văn hóa truyền thống xứ Trầm.

Dấu ấn cộng đồng

Trong số gần 70 hoạt động, sự kiện sẽ diễn ra trước, trong kỳ Festival Biển 2023, có nhiều hoạt động, sự kiện mang dấu ấn cộng đồng, như: Lễ hội ẩm thực “Nét đẹp xứ Trầm”; diễu hành “Áo dài phố biển Nha Trang”; hội thi thiếu nhi vẽ tranh với biển, đảo quê hương; liên hoan các làng văn hóa ở TP. Cam Ranh và huyện Diên Khánh… Đây là những sự kiện, hoạt động có sự tham gia của đông đảo người dân. Trong một số kỳ Festival Biển gần đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức Lễ hội áo dài và nhận được đánh giá tích cực từ công chúng. Kỳ Festival Biển năm nay, bên cạnh tổ chức Lễ hội áo dài, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh còn vận động hội viên tham gia sự kiện diễu hành “Áo dài phố biển Nha Trang” tại Quảng trường 2-4. Theo dự kiến, sự kiện này sẽ có 5.000 hội viên ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tham gia, vừa góp phần tôn vinh vẻ đẹp của tà áo dài truyền thống Việt Nam, vừa tạo nên không khí lễ hội thêm sôi động, ý nghĩa, đồng thời hướng đến việc xác lập kỷ lục Việt Nam.

Văn hóa ẩm thực trong các kỳ Festival Biển luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, du khách. Đến với kỳ Festival Biển 2023, công chúng có thể thưởng thức, tìm hiểu những món ăn ngon của Khánh Hòa qua các hoạt động ẩm thực diễn ra tại Bảo tàng tỉnh, Khu du lịch Champa Island, Công viên Yến Phi, công viên bờ biển đối diện khách sạn Lodge. Những hoạt động này do Bảo tàng tỉnh, UBND TP. Nha Trang, Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Đầu tư ChampaGroup tổ chức và có sự kêu gọi, vận động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh tham gia, diễn ra xuyên suốt trong 4 ngày Festival Biển. 

Hội thi thiếu nhi vẽ tranh với biển đảo quê hương cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm của các bạn nhỏ yêu hội họa. Đến đây, các em được thỏa sức sáng tạo thông qua từng nét vẽ để tạo nên những tác phẩm tươi đẹp về quê hương, đất nước. Sau khi hoàn thành, các tác phẩm sẽ được Ban tổ chức trưng bày, giới thiệu tại không gian công viên bờ biển đối diện số 60 Trần Phú. Hội thi diễn ra chắc chắn sẽ nhận được sự theo dõi của đông đảo người dân, khách du lịch.

Màn tái hiện nghi thức hò bá trạo trong lễ cầu ngư tại Festival Biển 2019. Ảnh minh họa.
Màn tái hiện nghi thức hò bá trạo trong lễ hội Cầu ngư tại Festival Biển 2019. Ảnh minh họa.

Đậm sắc màu truyền thống

Kỳ Festival Biển 2023 cũng sẽ đem đến cho mọi người những nét đẹp văn hóa, nghệ thuật truyền thống vẫn còn lưu giữ, phát huy trong đời sống hôm nay thông qua những sự kiện như: Triển lãm đặc trưng văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; trình diễn văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, mã la và múa dân gian Raglai; lễ hội Cầu ngư; trình diễn trò chơi hô hát bài chòi, làm gốm, dệt thổ cẩm và biểu diễn văn nghệ của đồng bào Chăm… Ngoài ra, trong kịch bản chương trình nghệ thuật đêm khai mạc và bế mạc Festival Biển 2023 cũng dành một thời lượng lớn các tiết mục biểu diễn mang dấu ấn văn hóa truyền thống của xứ Trầm Hương.

Theo ông Nguyễn Văn Thiện - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, chương trình Festival Biển 2023 có sự hài hòa giữa các hoạt động, sự kiện mang màu sắc đương đại với các sự kiện, hoạt động truyền thống. Cách thức tổ chức những hoạt động, sự kiện này cũng sẽ có sự thay đổi. Chẳng hạn, việc tổ chức lễ hội Cầu ngư trong kỳ Festival Biển lần này không chỉ đơn thuần là tái hiện các nghi thức mang nặng tính sân khấu hóa, mà qua đề nghị của những ngư dân trực tiếp thực hiện, lễ hội sẽ được thực hiện giống như một kỳ lễ hội chính thức được diễn ra hàng năm. Cụ thể, lễ hội diễn ra cả trên biển lẫn trên bờ với các nghi lễ rước nghinh ông, hò bá trạo, diễu hành…

Để phục vụ cho việc triển lãm và biểu diễn văn hóa, nghệ thuật các dân tộc thiểu số, Bảo tàng tỉnh cũng đang gấp rút xây dựng kế hoạch, kịch bản thực hiện. Trong đó, đơn vị đã liên hệ với các cơ quan chức năng ở các địa phương trong khu vực để cùng gửi hiện vật, đưa các nghệ nhân, nghệ sĩ đến tham gia, nhằm mang đến cho khán giả, khách tham quan những giá trị văn hóa đặc trưng nhất của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và tỉnh Khánh Hòa. Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động hô hát bài chòi, trình diễn, biểu diễn đặc trưng văn hóa Chăm, tuy nhiên cách thức tổ chức cũng có sự thay đổi để phù hợp với đặc điểm, không khí của Festival Biển... Tất cả đang cùng nỗ lực để làm nên một kỳ Festival Biển ấn tượng đối với người dân, du khách gần xa.

Ông ĐINH VĂN THIỆU - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Một trong những quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh khi tổ chức các kỳ Festival Biển đó chính là huy động sự tham gia của đông đảo nhân dân vào các sự kiện, chương trình; phải làm sao để người dân thực sự là chủ thể trong các hoạt động của Festival Biển. Chính vì thế, trong kỳ Festival Biển 2023, tỉnh đã quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động mang dấu ấn cộng đồng, nhằm thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Cùng với đó, Festival Biển còn là dịp để giới thiệu, quảng bá những giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống, đây là nguồn động lực, sức mạnh nội sinh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Giang Đình