23:12, 28/04/2023

Từ lá cờ giải phóng đến Quốc kỳ

Ngụy Như Ánh

Tại Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất khai mạc ngày 16-2-1962 tại Tân Biên (Tây Ninh), đại hội đã quyết định chọn hiệu kỳ có hình chữ nhật, nửa đỏ ở trên, nửa xanh trời ở dưới và ngôi sao vàng ở giữa làm cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đến năm 1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, đã lấy hiệu kỳ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam làm Quốc kỳ, nhân dân thường gọi là cờ giải phóng. Đây là lá cờ lấy từ khuôn mẫu của Quốc kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng chia một nửa phần cờ ở phần trên có màu đỏ đại diện cho miền Bắc đã độc lập, nửa cờ ở phần dưới có màu xanh trời tượng trưng cho miền Nam đấu tranh cho khát vọng hòa bình, thống nhất.

Tem bưu chính Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phát hành một số bộ tem in hình lá cờ giải phóng. Đầu tiên là mẫu tem mã số 365: Ủy ban Công đoàn Quốc tế đoàn kết giá mặt 12 xu, phát hành ngày 20-7-1964 do họa sĩ Đỗ Việt Tuấn thiết kế. Kế đó là mẫu tem mã số 502: Bắt giải tù binh giá mặt 12 xu, phát hành ngày 15-10-1966 do họa sĩ Nguyễn Hiệp thiết kế. Mẫu tem mã số 633: Chiến thắng Khe Sanh (Quảng Trị) giá mặt 12 xu, phát hành ngày 31-7-1969 do họa sĩ Trần Huy Khánh  thiết kế...

 

Riêng về dòng tem Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1963-1969) và tem Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam (1970-1976) có rất nhiều bộ tem giới thiệu cờ giải phóng. Như bộ tem kỷ niệm 3 năm, 5 năm, 7 năm… ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lê-nin; kỷ niệm miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng. Còn tem bưu chính Việt Nam có mẫu tem mã số 1594: Tiến vào Dinh Độc Lập giá mặt 3 đồng, phát hành ngày 6-5-1985 do họa sĩ Nguyễn Hiệp thiết kế; mẫu tem mã số 2171: Miền Nam trong trái tim tôi giá mặt 500 đồng, phát hành ngày 11-5-1990 do họa sĩ Trần Thế Vinh thiết kế; bộ tem: 30 năm cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968 - 1998) giá mặt 400 đồng, phát hành ngày 30-1-1998 do họa sĩ Trần Thế Vinh thiết kế đều có hình lá cờ giải phóng.           

Ngày 30-4-1975, cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước của nhân dân ta thắng lợi hoàn toàn. Lá cờ giải phóng đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình. Ngày 2-7-1976, Quốc hội khóa VI quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chọn cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ chính thức của nước Việt Nam cho đến ngày nay.  

Ngụy Như Ánh