Giữa thời buổi công nghệ hiện đại, khi các kênh thông tin, giải trí ngày càng phát triển thì việc đọc sách dường như là một thói quen xa xỉ với nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Giữa thời buổi công nghệ hiện đại, khi các kênh thông tin, giải trí ngày càng phát triển thì việc đọc sách dường như là một thói quen xa xỉ với nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Người bạn của tôi hay than phiền con chỉ thích xem tivi, ipad với những kênh giải trí, những bộ phim hoạt hình vui nhộn chứ không muốn đọc sách. Sách mua về cho con đầy ra đấy nhưng nó chỉ đọc vài trang rồi thôi, có cuốn còn không sờ đến. Nói mãi nó chẳng nghe thì cũng chán. Rồi một lúc, bạn nói như thừa nhận, ngay cả bản thân mình cũng mê mấy chương trình trên tivi, điện thoại hơn đọc sách thì sao khiến trẻ con thích nhỉ?
Nghe bạn nói, tôi nghĩ đến mình và con trai, cảm thấy mình thật may mắn khi con đam mê đọc sách. Tất nhiên, niềm đam mê đó của con không phải tự nhiên mà có. Đó là cả một quá trình rèn luyện từ ngày con còn nhỏ.
Ngay từ khi con biết đọc, tôi mua những cuốn truyện cổ tích nhiều tranh, ít chữ để con đọc. Như vậy, con sẽ vừa xem tranh vừa đọc. Tuổi nhỏ, đôi khi không đủ kiên nhẫn ngồi đọc một trang sách có quá nhiều chữ nếu như không có điều gì thu hút chúng. Con trai tôi cũng vậy, nên những bức tranh sẽ giúp con không bị nhàm chán khi đọc sách. Con luôn hào hứng đọc một mạch hết câu chuyện và càng hào hứng hơn mỗi khi đọc xong sẽ được là người kể chuyện. Con kể lại câu chuyện theo cách của mình trong sự chăm chú lắng nghe của cha mẹ. Sau đó là những lời khen: “Con giỏi quá!”, “Con kể hay quá!” hay “Bố mẹ thích nghe con kể hơn” - những lời động viên để kích thích niềm vui thích đọc sách trong con.
Lớn hơn chút nữa, con đã có thể đọc những câu chuyện dài hơn. Tôi nhớ sau những cuốn truyện tranh là cuốn Những câu chuyện cười 100 chữ. Con đã đọc rất say mê. Sau mỗi câu chuyện tôi sẽ hỏi con ý nghĩa của nó là gì? Con rút ra được bài học gì từ câu chuyện vừa đọc? Những điều con phát hiện ra được thì khen thưởng, những điều chưa biết thì giảng giải. Có khi tôi yêu cầu con viết ra suy nhĩ của mình về nhân vật được nhắc đến trong câu chuyện. Viết ra những yêu, ghét của mình và tại sao lại như vậy? Tất nhiên trong quá trình con đọc sách, tôi luôn ở bên con, kịp thời giải đáp những thắc mắc về những tình huống, từ ngữ con chưa hiểu và quan trọng hơn là làm bạn cùng con để con không cảm thấy buồn chán.
Giờ đây, con đã mười tuổi, niềm đam mê đọc sách cứ tăng dần. Những cuốn sách con đọc không chỉ là những cuốn truyện tranh nữa mà con thích đọc và có thể kiên trì đọc một cuốn sách dày cả trăm trang. Tôi để con tự do chọn đọc thể loại mình thích, tất nhiên phải là sách hữu ích. Con được bồi dưỡng tâm hồn, tình yêu quê hương đất nước qua những cuốn sách văn học; con tìm hiểu về những câu chuyện lịch sử, về các triều đại và quá trình dựng nước của ông cha, từ đó biết đánh giá đúng sai, biết cúi đầu tri ân đối với những thế hệ đã dựng xây đất nước. Con rất yêu thích cuốn sách Children’s World Atlas (Át lát thế giới dành cho trẻ em). Nhiều khi tôi ngạc nhiên sao con có thể say mê tìm hiểu từng chút một những địa danh, vùng đất, những quốc gia trên thế giới. Con có thể nhớ và kể vanh vách Việt Nam nằm ở đâu, giáp với những quốc gia nào; mười nước lớn nhất trên thế giới là những nước nào?... Cùng con đọc sách, con sẽ không cảm thấy cô đơn khi đọc sách một mình, giúp con hứng thú hơn. Giờ đây, tôi không còn đóng vai trò là người hướng dẫn, người giảng giải khi đọc sách cùng con nữa. Tôi và con sẽ trao đổi với nhau những điều con đọc được. Có nhiều câu hỏi, những phản biện của con khiến tôi phải suy nghĩ. Đôi lúc tôi tự hỏi, tại sao một đứa trẻ mười tuổi lại có những lập luận, băn khoăn “già” như vậy? Phải chăng đó là nhờ con chịu khó đọc sách. Tâm hồn con được đắp bồi, kiến thức con nhiều lên qua mỗi trang sách. Tôi vui vì điều đó và luôn khuyến khích con ngoài thời gian học tập, vui chơi thì dành thời gian đọc sách mỗi ngày.
Trong những ngày cả nước thực hiện cách ly do dịch Covid-19, con phải nghỉ học ở nhà, những cuốn sách là bạn của con. Mấy ngày nay, con đang đọc truyện Dữ dội tuổi thơ của nhà văn Phùng Quán. Con nói, “những cậu bé như Lượm, Tư dát, Quỳnh, Vịnh, Bồng… trong truyện chỉ mới mười hai mười ba mà đã rất dũng cảm góp phần đánh giặc. Vậy con làm thế nào để có thể giúp đất nước đây?”. “Là cố gắng học thật tốt con ạ!”. “Vâng!”. Con lại chăm chú vào cuốn sách đang cầm trên tay mà không hay biết rằng bố mẹ đang nhìn con cười hạnh phúc.
Lê Công Phượng