Tôi có một vài dịp dọc theo Quốc lộ 1 từ Bắc vào Nam. Nhìn cảnh vật vùn vụt trôi qua cửa xe mà bất chợt cảm thán: Có nơi nào như đất nước mình không, suốt dọc đường thiên lý, nơi nào cũng gặp trang nghiêm những nghĩa trang liệt sĩ?...
Tôi có một vài dịp dọc theo Quốc lộ 1 từ Bắc vào Nam. Nhìn cảnh vật vùn vụt trôi qua cửa xe mà bất chợt cảm thán: Có nơi nào như đất nước mình không, suốt dọc đường thiên lý, nơi nào cũng gặp trang nghiêm những nghĩa trang liệt sĩ? Dù là địa phận tỉnh nào thì cũng gặp rất nhiều những nghĩa trang, lặng lẽ, trang nghiêm ở những vị trí đẹp nhất. Những người lính năm xưa, khi chiến đấu vẫn giữ vững đội hình, khi hy sinh vẫn chỉnh tề đội ngũ, vẫn kề vai bên nhau. Nhìn những nghĩa trang tiếp nối nhau mới thấu hiểu, đất nước mình tấc đất nào cũng thấm máu cha ông.
Tôi đã có những buổi chiều lặn lội ở nghĩa trang liệt sĩ, dò lần từng tấm bia. Ấy là mấy năm trước, một chị ở quê điện thoại cho tôi, nhờ lên nghĩa trang liệt sĩ huyện Diên Khánh tìm xem có mộ của bố chị ở đó không. Bác nhập ngũ và hy sinh từ những ngày tôi còn nhỏ tí. Khi ấy gia đình chỉ nhận được dòng chữ ghi vẻn vẹn “Hy sinh ở mặt trận phía Nam”. Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình đã gặp bao nhiêu cơ quan, nhờ biết bao nhiêu bạn bè, đồng đội của ông để tìm hiểu đích xác nơi ông chiến đấu, hy sinh để khoanh vùng tìm mộ. Nơi nào có thể đi được thì thu xếp đi, nơi nào nhờ được người quen thì nhờ… Sau những chiều trực tiếp đi tìm, tôi về gặp phòng rồi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều không thấy chút manh mối. Cái cảm giác khi điện thoại cho chị thông báo kết quả mới nặng nề làm sao. Bởi tôi hiểu mình lại làm mất đi một tia hy vọng của gia đình. May sao, mấy năm sau gia đình đã tìm được bác ở một nghĩa trang liệt sĩ Tây Nguyên. Chị cảm động khi báo cho tôi: “Suốt quá trình đi tìm mộ, gia đình luôn có niềm tin sẽ tìm được ông cụ, cứ như ông cụ mách chỉ đường ấy. Một niềm tin không thể lý giải được em à”.
Nhớ có lần đi công tác Quảng Trị, đoàn chúng tôi lặng lẽ ra bến thả hoa ven bờ Thạch Hãn. Lặng lẽ ngắm nhìn bia đá khắc 4 câu thơ đã trở nên bất tử của cựu chiến binh Lê Bá Dương. Không biết ông trong tháng 7 năm nay đã về đây để thả hoa tưởng nhớ đồng đội? Từng sinh tử với đồng đội, sự thiêng liêng của tình đồng đội đã khiến ông bật lên 4 câu thơ ngẫu nhiên để tạc vào lịch sử. Trong những ngày ở Quảng Trị, đi thắp nhang cho Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn… được nghe những người ở đây kể cả ngày những câu chuyện về sự linh thiêng của các liệt sĩ. Câu chuyện nào cũng khiến ta rợn lên niềm xúc động.
Nghĩa trang nào cũng vậy. Giữa những hàng bia liệt sĩ trang nghiêm, có đủ đầy tên tuổi, quê quán là những tấm bia khiến người ta nhói lòng: “Liệt sĩ chưa biết tên”. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, biết bao người ngã xuống mà không kịp để lại thông tin… Để chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ vẫn còn bao nhiêu gia đình đau đáu ngóng tìm người thân của mình nằm ở nơi đâu. Hiện nay, nhiều tỉnh, thành đang cho chỉnh sửa những bia mộ này thành “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Từ ngữ như vậy sẽ đầy đủ nghĩa hơn nhưng thực ra có cần thế không? Bởi khi ngã xuống thì tên của họ đã thành tên đất nước. Đâu cần tốn thêm rất nhiều tiền để sửa chữa những bia mộ kia?
Đã tự bao giờ, phong trào thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ lan rộng ra cả nước. Những buổi chiều tối, hàng triệu ngọn nến nhỏ lung linh trên các nghĩa trang như lời nhắc nhở chúng ta có cuộc sống hôm nay là bao máu xương của những người nằm yên giấc tại đây.
Thủy Ngân