09:07, 22/07/2022

Bản sắc Chăm trong tranh họa sĩ Trần Hà

Họa sĩ Trần Hà - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam là cái tên không xa lạ với giới sáng tác văn học nghệ thuật trong và ngoài tỉnh, nhất là giới hội họa. Khi còn rất trẻ, Trần Hà đã sớm tìm được phong cách nghệ thuật riêng...

Họa sĩ Trần Hà - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam là cái tên không xa lạ với giới sáng tác văn học nghệ thuật trong và ngoài tỉnh, nhất là giới hội họa. Khi còn rất trẻ, Trần Hà đã sớm tìm được phong cách nghệ thuật riêng. Khi chưa tròn 30 tuổi, anh đã được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam, trở thành một trong những hội viên trẻ tuổi nhất của hội chuyên ngành Trung ương tại giai đoạn ấy.
 
 
Tác phẩm Bản sắc Chăm-pa.
Tác phẩm Bản sắc Chăm-pa.
 
Là người Hà Tĩnh, khi đến sinh sống và làm việc tại Nha Trang - Khánh Hòa, nơi có sự giao thoa văn hóa của hai dân tộc Chăm - Việt, sáng tác của họa sĩ Trần Hà có thêm đề tài về dân tộc Chăm. Từ tình cảm, cùng với sự rung động từ trái tim của người họa sĩ, Trần Hà đã nắm bắt nét đặc trưng, đậm bản sắc Chăm ấy, đưa vào tác phẩm của mình bằng ngôn ngữ hội hoạ với phong cách riêng. Đó là sự kết hợp giữa tôn giáo và lễ hội với ngôn ngữ hội họa nghiêng về lập thể. Những tác phẩm của anh đưa đến cho người thưởng lãm những cảm nhận về một cộng đồng Chăm mạnh mẽ, khiêm cung, tài hoa.  
 
Tổng thể một bức tranh về đề tài Chăm của họa sĩ Trần Hà thường được bố trí đăng đối, nghiêm cẩn. Chẳng hạn trong tác phẩm Múa lu - một điệu múa đặc trưng của dân tộc Chăm, 6 cô gái đội lu nước lên tháp dâng Bà được phối theo trục dọc, vừa thể hiện tính hiện thực vừa ước lệ trong bố cục hội họa. 
 
 
Tác phẩm Múa lu.
Tác phẩm Múa lu.
 
Một kiểu bố cục khác họa sĩ Trần Hà thường xây dựng trong các tác phẩm của mình đó là đồng hiện. Trục chính là không gian tháp với điệu múa quạt trong tiếng nhạc của kèn saranai và trống ginăng. Hai bên là 6 không gian với tượng thần Shiva; các điệu múa của đội múa nữ, của Ong Kaing bên các bình gốm cách điệu; các nghệ nhân đang tấu lên giai điệu lễ hội với trống baranưng… Thật sự ấn tượng khi lần đầu xem bức tranh Bản sắc Chăm-pa, ngay lập tức tôi nghĩ đây là một trong những tác phẩm thành công nhất của anh về đề tài Chăm.
 
Với đề tài Chăm, họa sĩ Trần Hà luôn nhất quán một mục đích và phong cách sáng tạo. Hành trình về với một vốn cổ phương Đông mang đậm bản sắc Chăm được tác giả tái hiện bằng gam màu nóng chủ đạo, gồm màu đỏ, cam, vàng đất, nâu… Những màu sắc đó được họa sĩ hòa trộn nhuần nhuyễn, giàu sắc độ, đầy chủ ý nghệ thuật, làm nên một tông màu nóng đầy bí ẩn, sâu lắng, huyền ảo toát lên chất Đông phương, chất Chăm sâu thẳm mà mãnh liệt.
 
 
Tác phẩm Giai điệu Chăm-pa.
Tác phẩm Giai điệu Chăm-pa.
 
Đến nay, họa sĩ Trần Hà đã có hơn 27 năm sinh sống và làm việc tại mảnh đất Nha Trang - Khánh Hòa. Kể từ năm 2000 đến nay, họa sĩ Trần Hà đã tham gia nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật trong nước và quốc tế. Các mảng đề tài trong hội họa của Trần Hà nói chung, mảng đề tài sáng tác về Chăm nói riêng đã đưa đến cho anh nhiều phần thưởng trong sự nghiệp sáng tác. Ngoài sự ghi nhận của các nhà chuyên môn và đồng nghiệp, anh đã nhận được nhiều giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng tại các cuộc triển lãm khu vực, cùng các giải thưởng của bộ, ngành và cơ quan Trung ương, nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật của tỉnh trao tặng. Hiện nay, Trần Hà có tác phẩm trong bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cùng nhiều tác phẩm trong bộ sưu tập của nhiều cá nhân trong và nhiều nước…
 
Trong triển lãm cá nhân của anh tại Hà Nội nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhà phê bình mỹ thuật Trần Thức đã nhận định: “Họa sĩ Trần Hà đã khai thác bút pháp dân gian kết hợp với hiện đại mà không thiếu chất truyền thống. Đó là lối tả thực, cách điệu trên mặt bằng bình đồ, dùng nhiều gam nóng, ước lệ, giàu sắc độ, giàu chất trang trí, tương phản mà hài hòa. Chất “nóng” và “lạnh” của Trần Hà đã đặc tả được nghệ thuật phương Đông dân gian giàu chất vô cực, huyền thoại”.
 
Chế Diễm Trâm