11:06, 26/06/2022

Văn hóa du lịch tâm linh Khánh Hòa - Ấn Độ: Khơi mở tiềm năng

Tỉnh Khánh Hòa vừa phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo "Phát huy giá trị văn hóa du lịch tâm linh ở Khánh Hòa trong việc hợp tác với Ấn Độ". Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu bật những tiềm năng, thế mạnh, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy hoạt động ý nghĩa này.

Tỉnh Khánh Hòa vừa phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Phát huy giá trị văn hóa du lịch tâm linh ở Khánh Hòa trong việc hợp tác với Ấn Độ”. Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu bật những tiềm năng, thế mạnh, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy hoạt động ý nghĩa này.


Nhiều nét tương đồng


Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Khánh Hòa có tiềm năng giá trị di sản văn hóa tâm linh đa dạng, phong phú, được chia làm 3 không gian văn hóa: Văn hóa núi rừng, văn hóa đồng bằng, văn hóa biển đảo. Trong đó, có nhiều địa danh gắn với truyền thuyết về Thiên Y A Na. Tháp Bà Ponagar là một sản phẩm văn hóa du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, lễ bái. Nơi đây thể hiện rõ nét giao thoa văn hóa Champa với văn hóa của người Việt. Gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na ở Khánh Hòa còn có các di tích Am Chúa, Suối Đổ. Đạo Phật cũng được truyền vào vùng đất Khánh Hòa từ nửa cuối thế kỷ XVII. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 170.980 người theo đạo Phật, có 398 ngôi chùa và rất nhiều cơ sở thờ tự Phật giáo khác.

 

Biểu diễn múa Chăm ở Khu di tích Tháp Bà Ponagar.

Biểu diễn múa Chăm ở Khu di tích Tháp Bà Ponagar.

 
Những nét tương đồng về tín ngưỡng, tôn giáo của người dân Khánh Hòa với nhân dân Ấn Độ là cơ sở để kết nối, hình thành nên sản phẩm văn hóa du lịch tâm linh giữa hai bên. Tiến sĩ Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia tại Huế cho rằng, từ cội nguồn xứ Kauthara và Khánh Hòa ngày nay, với hình tượng mang tính biểu tượng là Mẹ xứ sở Po Inư Nagar đã hòa quyện, mang đậm giá trị văn hóa đặc trưng. Những yếu tố sinh thái nhân văn đó là chất liệu quan trọng, quyết định để viết nên câu chuyện kể độc đáo, gắn liền với việc tái hiện thực cảnh để hình thành nên sản phẩm du lịch hành hương trong hành trình kết nối những điểm thiêng ở xứ Trầm Hương.


Có thể thấy, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều di sản văn hóa du lịch tâm linh. Trong đó, di tích Tháp Bà Ponagar chịu ảnh hưởng nhiều từ văn hóa Ấn Độ giáo, được thể hiện qua tượng thờ các thần Umar (Ponagar), Shiva, Ganesha, Skandha. Hàng năm, lễ hội Tháp Bà Ponagar được cả đồng bào Chăm và người Kinh ở khắp mọi nơi hành hương về tham dự.


Xúc tiến hành trình du lịch tâm linh

 

Ông Pranay Verma - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam: Khánh Hòa là một trong những địa phương được Ấn Độ ưu tiên lựa chọn kết nối, hợp tác du lịch trong thời gian tới. Để tăng cường kết nối, hợp tác du lịch mang lại hiệu quả, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam mong muốn tỉnh quan tâm hợp tác trong trao đổi, tìm hiểu về xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch; xây dựng các chương trình, kết nối điểm đến du lịch văn hóa tâm linh, nhất là du lịch văn hóa Phật giáo, du lịch văn hóa Champa, du lịch sức khỏe…

Vùng đất Kauthara xưa (Khánh Hòa ngày nay) đã chịu ảnh hưởng rất nhiều của văn hóa Ấn Độ trong tiến trình lịch sử của mình. Yếu tố đó là điểm nhấn, thế mạnh để Nha Trang - Khánh Hòa thực hiện việc kết nối với Ấn Độ nhằm phát triển loại hình văn hóa du lịch tâm linh. Theo ý kiến của một số đại biểu tham gia hội thảo, để phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch tâm linh Khánh Hòa - Ấn Độ, trước hết cần chú ý đến việc tôn vinh, kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn giá trị di sản văn hóa độc đáo của dân tộc; tạo sự gắn kết cộng đồng và quảng bá rộng rãi đến du khách trong nước, quốc tế.


Ông Vikram Trivedi - Giám đốc điều hành Công ty My Tour Box Services PVT.LTD (Ấn Độ) cho biết: “Du lịch tâm linh đang là lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của Chính phủ Ấn Độ. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp du lịch Ấn Độ cho ra đời những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn về loại hình du lịch này. Họ không chỉ thu hút du khách nội địa, du khách nước ngoài tham gia các tour đó trên lãnh thổ Ấn Độ, mà còn tổ chức các tour đưa người dân, du khách từ Ấn Độ đến những quốc gia có nét tương đồng về tín ngưỡng, tôn giáo. Nha Trang - Khánh Hòa với những lợi thế của mình hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến du lịch văn hóa tâm linh”.


Ông  Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh mong muốn, qua sự hợp tác phát triển văn hóa du lịch tâm linh giữa tỉnh Khánh Hòa với Ấn Độ sẽ làm tiền đề để mở rộng hợp tác hoạt động này giữa Ấn Độ với Việt Nam. Muốn làm được điều đó, hai bên cần đưa ra được những ý tưởng, cũng như sự kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch Việt Nam và Ấn Độ. Khoảng cách giữa Khánh Hòa và Ấn Độ chỉ hơn 4 giờ bay, nên sẽ không quá xa để thiết kế các tour, tuyến du lịch hành hương giữa hai bên. Thời gian tới, phía Ấn Độ sẽ xúc tiến việc giới thiệu Nha Trang - Khánh Hòa đến người dân Ấn Độ để mọi người biết và lựa chọn nơi đây làm điểm đến.  


Trong những năm gần đây, việc phát huy các giá trị di sản văn hóa vào hoạt động du lịch tâm linh đã có những bước tiến mới ở Nha Trang - Khánh Hòa. Trong bối cảnh phục hồi du lịch sau những tác động của đại dịch Covid-19, việc tìm kiếm những thị trường khách có tiềm năng, đưa ra những sản phẩm du lịch mang tính bền vững là điều cần thiết. Hoạt động kết nối văn hóa du lịch tâm linh giữa Khánh Hòa với Ấn Độ sẽ mang đến những niềm hy vọng mới cho du lịch Nha Trang - Khánh Hòa.


Giang Đình