11:04, 01/04/2022

Tiếng vọng từ lòng đất

Ngày 1-4, Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa mở cửa đón khách đến tham quan triển lãm chuyên đề Tiếng vọng từ lòng đất tại số 16 Trần Phú (TP. Nha Trang). Triển lãm giới thiệu gần 400 hiện vật khai quật từ 4 di chỉ khảo cổ: Xóm Cồn, Văn Tứ Đông, Vĩnh Yên, Hòa Diêm. 

Ngày 1-4, Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa mở cửa đón khách đến tham quan triển lãm chuyên đề Tiếng vọng từ lòng đất tại số 16 Trần Phú (TP. Nha Trang). Triển lãm giới thiệu gần 400 hiện vật khai quật từ 4 di chỉ khảo cổ: Xóm Cồn, Văn Tứ Đông, Vĩnh Yên, Hòa Diêm. Qua đó, công chúng hiểu và trân quý hơn những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất Khánh Hòa.


Những di chỉ độc đáo


Từ lâu, những di chỉ khảo cổ trên địa bàn tỉnh gồm: Xóm Cồn, Văn Tứ Đông, Vĩnh Yên, Hòa Diêm đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của giới khảo cổ học trong nước và quốc tế. Những hiện vật được tìm thấy từ các di chỉ này đã hé mở nhiều điều liên quan đến đời sống của con người từ 2.000 đến 4.000 năm trước trên vùng đất Khánh Hòa. Trong đó, di chỉ Xóm Cồn (phường Cam Linh, TP. Cam Ranh) có niên đại từ 3.000 - 4.000 năm trước, với tên gọi được dùng làm đại diện cho một nền văn hóa lớn ở Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ - văn hóa Xóm Cồn. Đây là nền văn hóa được xác định ra đời và tồn tại trước văn hóa Sa Huỳnh. Hệ thống hiện vật đồ gốm được khai quật ở di chỉ Xóm Cồn rất phong phú, đa dạng cả về chủng loại lẫn số lượng. Tiêu biểu là các đồ đựng đáy tròn, đồ đựng có chân đế được làm theo kỹ thuật nặn tay, bàn đập và phương pháp trang trí hoa văn khắc vạch, in chấm, đắp nổi…

 

Một số hiện vật được giới thiệu tại triển lãm.

Một số hiện vật được giới thiệu tại triển lãm.


Di chỉ Văn Tứ Đông (xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm), có niên đại từ 3.000 đến 3.500 năm trước. Đây là di chỉ thuộc loại hình cồn sò điệp có lớp vỏ nhuyễn thể với 2 loại chính là sò và điệp tạo thành tầng văn hóa của di chỉ. Ở di chỉ này, giới khảo cổ còn tìm thấy các công cụ lao động bằng đá, bằng xương động vật; đồ trang sức, đồ gốm… Đối với di chỉ Vĩnh Yên (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh), qua 2 lần khai quật vào năm 2006 và 2009 đã xác định niên đại của di chỉ từ 2.500 đến 3.000 năm trước. Từ các hiện vật được khai quật ở di chỉ này cho chúng ta thấy kỹ thuật chế tác đồ đá đạt đến đỉnh cao. Đá được người xưa sử dụng làm công cụ lao động, trang sức.


Với di chỉ Hòa Diêm (xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh), những hiện vật thu được từ các lần khai quật đã làm sáng rõ tiến trình lịch sử tiền - sơ sử của vùng đất Khánh Hòa. Chính vì thế, năm 2014, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xếp hạng di tích quốc gia đối với di tích khảo cổ địa điểm Hòa Diêm. Trải qua hơn 10 lần khảo sát và 4 lần khai quật, những hiện vật được phát hiện cho thấy sự phong phú về chủng loại, gồm đồ đá, kim loại, đồ xương, đồ gốm. Đặc biệt, ở di chỉ Hòa Diêm nổi bật lên khu mộ táng có mật độ dày với nhiều hình thức khác nhau như: mộ đất, mộ chum, mộ chôn lần đầu, mộ cải táng… Hiện tượng cải táng từ 2 đến 6 cá thể trong một mộ chum lần đầu tiên phát hiện ở Hòa Diêm.


Lần đầu triển lãm hiện vật khảo cổ


Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Giám đốc Bảo tàng tỉnh, đây là lần đầu tiên đơn vị thực hiện một triển lãm chuyên đề giới thiệu tới công chúng những hiện vật khảo cổ học từ 4 di chỉ nổi tiếng của tỉnh. Trước đây, một số hiện vật thuộc chuyên đề này mới chỉ được giới thiệu  tới người dân, du khách thông qua những bức ảnh trưng bày đan xen trong những triển lãm khác. Các hiện vật khảo cổ học trong triển lãm đã minh chứng rõ ràng về quá trình phát triển liên tục từ thời tiền sử đến sơ sử, yếu tố giao lưu văn hóa và thương mại của vùng đất Khánh Hòa. Triển lãm góp phần cung cấp thêm cho mọi người vốn hiểu biết thông qua các hiện vật khảo cổ, đồng thời hướng đến tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ ý thức giữ gìn, phát huy những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

 

Nhiều hiện vật khảo cổ giá trị được giới thiệu đến công chúng.

Nhiều hiện vật khảo cổ giá trị được giới thiệu đến công chúng.


Trong nhiều năm qua, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao, Bảo tàng tỉnh đã phát hiện, lưu giữ nhiều hiện vật quý, nhất là những hiện vật được khai quật được từ các di tích khảo cổ học. Đến với triển lãm, công chúng được trực tiếp xem hiện vật, hình ảnh về các loại hình đồ gốm, đồ đá, đồ xương, trang sức, công cụ lao động và dụng cụ trong đời sống hàng ngày… Nhóm hiện vật gốm tiêu biểu như: Đồ đựng đáy tròn; đồ đựng có chân đế; các loại chum, vò làm áo quan tài với nhiều hình dáng khác nhau; đồ tùy táng bằng gốm với nồi, bình, tô, chậu… Nhóm hiện vật trang sức với những chuỗi hạt, vòng tay, khuyên tai bằng vàng, thủy tinh, mã não, vỏ nhuyễn thể hay bằng đá cho người xem thấy kỹ thuật chế tác đồ trang sức và lối phục sức của người xưa. Nhóm công cụ lao động được làm bằng đá hoặc xương động vật gồm rìu cầm tay, bàn mài, bàn nghiền...


Triển lãm chuyên đề Tiếng vọng từ lòng đất sẽ mở cửa đón khách tham quan đến đầu tháng 6. Đây là dịp để các trường học, những người quan tâm đến văn hóa địa phương, du khách có thể tới tham quan, tìm hiểu nhằm biết rõ hơn những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Khánh Hòa thời tiền - sơ sử. Mỗi hiện vật như nói cho chúng ta biết về đời sống vật chất, tinh thần, tư duy, kỹ năng của người xưa.


Giang Đình