11:03, 29/03/2022

Những trang viết đầy ắp kỷ niệm

Nhà văn Lưu Cẩm Vân vừa ra mắt tập tản văn "Quán quen đường cũ trường xưa" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2022) dày 208 trang, do Văn Tuyển thực hiện. Đây là tập tản văn đầu tiên của chị sau 1 tập truyện vừa và 7 tập truyện ngắn in từ năm 1999 đến nay.

Nhà văn Lưu Cẩm Vân vừa ra mắt tập tản văn “Quán quen đường cũ trường xưa” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2022) dày 208 trang, do Văn Tuyển thực hiện. Đây là tập tản văn đầu tiên của chị sau 1 tập truyện vừa và 7 tập truyện ngắn in từ năm 1999 đến nay.


Lưu Cẩm Vân là cây bút nữ ở Nha Trang rất quen thuộc với độc giả, văn của chị nhẹ nhàng và thấm sâu trong lòng người, cái kết của truyện luôn là điều tốt đẹp, khiến cho người đọc cảm thấy nhẹ lòng. Với thể loại tạp bút, chị viết những điều quen thuộc: “Có người gọi họ là những thiếu nữ lâu năm, họ cùng xuất thân từ ngôi trường nữ nổi tiếng nhất của thành phố trong thập niên chín mươi. Rất nhiều năm họ có chung với nhau những người thầy, cùng học với nhau rất nhiều bài học và vì vậy họ có chung rất nhiều kỷ niệm”. Là những người bạn ngày xưa cùng học chung trường Nữ Trung học Nha Trang gặp nhau vào ngày thứ Tư ở quán quen (Ngày thứ Tư không có gì). Những quán quen, những con đường quen và cả ngôi trường nữ ngày xưa nằm trên đường Thái Nguyên, nay đã đổi tên là kỷ niệm (Quán quen, đường cũ, trường xưa). Thời đi học ấy để lại cho chị nhiều kỷ niệm: “Thời gian thật là kỳ diệu khi đã lâu như thế vẫn giữ nguyên những kỷ niệm đẹp đẽ của trường xưa trong ký ức của tôi. Những buổi họp lớp cùng gặp thầy cô giáo thưa dần, mỗi lần gặp lại có người không về nữa. Dẫu vậy trong lòng tôi, những ngày tháng êm đềm ấy vẫn như vừa mới trôi qua ở đâu đây” (Ngày tháng êm đềm).

 


Trong tập tản văn ấy không chỉ là kỷ niệm của ngôi trường. Nó còn là tiếng rao trưa của người bán hàng rong; là bà bán đậu hũ đã già theo thời gian; là ngày cuối năm ghé vào hàng sách, nhớ về Những tờ giấy in hoa: “Bây giờ có khi giở lại những tấm thiệp cũ là thấy biết bao nhiêu là kỷ niệm được nhớ lại, bao nhiêu là thương nhớ có khi còn hàn gắn được những cách xa. Những tờ giấy có hoa ấy đâu có lỗi thời mà chúng ta lại quên đi...”.


Gần 15 năm, chị đi nhiều nơi, ghé nhiều nơi chốn. Và chị ghi chép lại như vốn dĩ những nơi chốn ấy đã là một phần của cuộc sống: “Đi qua Nghi Tàm bỗng nhớ Bà Huyện Thanh Quan, bỗng thương quá cô Hồ Xuân Hương thuở ấy, lại nhớ Nguyễn Du cũng từng sống ở đây mà thấy trong lòng mình tình yêu bỗng dịu dàng (Hà Nội ngày gió mùa về). Hay “Con phà nhỏ trôi rất chậm trên dòng sông Hậu đục ngầu phù sa cùng những đám lục bình lững lờ không biết trôi về đâu. Chỉ khoảng mười phút là phà đã cập bến, trước mắt chúng tôi là con phố xinh đẹp sang trọng và ồn ào. Tôi quay nhìn lại bờ bên kia, thấp thoáng những mái nhà nhỏ, buồn bã và lặng lẽ mà không nghĩ là vừa nãy mình cũng cười nói náo nhiệt với mấy cô bé trong làng dệt Phong Châu” (Quà phà Châu Giang).


Đọc những trang viết của Lưu Cẩm Vân, có những lúc ta thèm được là ta của ngày xưa - của một thời ngây thơ, vụng dại.


KHUÊ VIỆT TRƯỜNG