11:04, 19/04/2022

"Chùa Đàn" và tôi 17 tuổi

Năm tôi mười bảy tuổi, tôi đọc Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân để rồi nghe con tim mình run rẩy, mê đắm trước những dòng văn quyến rũ và ma mị. Và từ ấy, tôi bắt đầu biết yêu người.

Năm tôi mười bảy tuổi, tôi đọc Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân để rồi nghe con tim mình run rẩy, mê đắm trước những dòng văn quyến rũ và ma mị. Và từ ấy, tôi bắt đầu biết yêu người.

 


Năm tôi mười bảy tuổi, người đối với tôi là một chàng Nguyễn lặng lẽ đi hết khắp phố phường Hà Nội, nhặt nhạnh lại từng mảnh vàng son, đưa vào văn chương, để lưu giữ lại nét đẹp của một thời quá vãng. Chàng Nguyễn của tôi là kẻ tài tử kiêu ngạo, và người đời đã gán cho chàng, nào là kiêu ngạo, ngông nghênh, khinh bạc.


Rồi một ngày, tôi đọc Chùa Đàn của người. Văn của người vẫn đẹp như thế, vẫn ma mị và quyến rũ như thế, nhưng chỉ ở phần “Tâm sự của nước độc”, và phảng phất đôi chút nơi phần “Dựng”. Còn phần  “Mưỡu cuối” chẳng còn sót lại một chút nào những nét văn mà đã khiến tôi say đắm.


Nguyễn viết phần “Tâm sự của nước độc” như một kẻ lên đồng. Lên đồng trên những con chữ, chuếnh choáng trong câu hát, tiếng đàn, trong hơi văn. Đoạn Nguyễn mô tả lại cái cảnh tượng khi cô Tơ hát, Bá Nhỡ đánh đàn, Út Lịnh cầm chầu, trên buồng thờ Chánh Thú, tiếng cười sằng sặc vang lên rồi bát hương nứt toác, quả là tuyệt thú. Người đọc tưởng như Nguyễn thật sự đang rút gan rút ruột ra mà viết, dùng hết máu huyết của bản thân ra mà mô tả. Mà chắc gì là không phải? Nếu không rút cạn hết máu, đặt hết cả sinh mạng và linh hồn mình vào cây bút, liệu có thể nào viết nổi những dòng văn sau:


“Bá Nhỡ chỉ còn là một cái bóng. Bóng loãng dần và không động. Bóng cứ nhạt mờ thêm mãi qua cái hôn mê của nỗi thảm tình thương và cô Tơ chỉ còn nhận thấy có mỗi một cái chấm sáng trên thân người ôm đàn là còn linh động. Ấy là cái mặt ngọc chiếc nhẫn ở ngón tay nắn dây. Tất cả sinh khí một kiếp người chỉ còn gởi có vào một cái mặt nhẫn linh động theo âm đàn. Nhưng mà ngón tay cầm đàn gẩy cũng đã uể oải rồi trên con phím. Rồi bẵng hẳn đi trong phòng không có một tiếng đàn nào nữa. Như một thứ keo, máu cũ khô quánh đã gắn chặt mười đầu ngón Bá Nhỡ vào mấy sợi tơ đỏ sẫm và mặt tang ngô đồng hoen ố. Mười ngón như một đã bị đóng đinh liền vào phím cây đàn. Máu tuôn đã hết chất nồng và chỉ còn tỏa ra một mùi tanh nhạt”.


Tôi nghĩ  Nguyễn cũng đã đàn một bản đàn, bằng câu chữ. Tiếng đàn lên cao, dữ dằn và quyết liệt, ma mị và quyến rũ, tiếng đàn đưa người ta vào cõi Thiên Thai, tiếng đàn đưa người ta vào một chốn mộng mị kỳ quái. Giữa cơn sướng khoái, tiếng đàn chợt đổi hướng. Người đang ở trên mây, liền bị quăng xuống đất. Con người tài tử biến mất, chỉ còn lại những dòng văn khô khan và sáo rỗng trong phần “Mưỡu cuối” khiến ta như đang cơn mơ chưa tròn, thì đã phải tỉnh dậy.


Tôi không hiểu nổi, tại sao người phải làm thế. Tôi cứ ngờ ngợ, tưởng như một người khác đang viết, chứ chẳng phải là chàng Nguyễn mà tôi quen biết.


Nguyễn viết phần “Tâm sự của nước độc” vào năm 1945, rồi thêm hai phần còn lại vào năm 1946, và xuất bản dưới tên Chùa Đàn. Nguyễn đã tự pha loãng cái bầu không khí yêu dị, cái chất tài tử kỳ quái trong câu văn của người, để cho dễ uống hơn, cho hợp với thời cuộc hơn. Và thế là, trong Chùa Đàn, giữa cái mạch văn ma mị của chàng Nguyễn ngày cũ, lại chen vào những giọng hô vang khẩu hiệu của một ông Nguyễn của thời sau này. Tôi mơ hồ nhận ra một điều gì đó, khi đọc lại tác phẩm này của người.  Một cảm giác mà tôi mãi chẳng thể gọi tên.


Cho đến khi, tôi đọc những dòng người tự sỉ vả Chùa Đàn, sỉ vả Vang bóng một thời, sỉ vả những tác phẩm khác của người, trong giai đoạn chỉnh huấn những năm 1952 - 1953, tôi chợt nhận ra cảm giác ấy, gọi là Thương.  Đọc Chùa Đàn, ta phải nhìn vào giai đoạn mà nó ra đời, để rồi thấu hiểu hơn cái quyết định thêm hai phần “Dựng” và “Mưỡu cuối” của tác giả. Chùa Đàn, là một tác phẩm ẩn chứa những tâm tư phức tạp của một giai đoạn chuyển giao trong lịch sử.  


Đọc Chùa Đàn, tôi học cách để thương người, để chấp nhận rằng người cũng phải xu thời, tự biến dòng văn tuyệt mĩ của mình thành một loại văn khô khan và máy móc. Tôi thương Nguyễn Tuân và tác phẩm của ông: Chùa Đàn, và tôi 17 tuổi…


Nguyễn Thị Ngọc Ánh