10:02, 11/02/2022

Chung tay giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể

Thực hiện Luật Di sản văn hóa trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, đồng thời hiện thực hóa cam kết với UNESCO về bảo vệ, phát huy giá trị di sản phi vật thể đại diện nhân loại, từ nhiều năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể để duy trì sức sống của những làn điệu dân ca dân tộc và các di sản phi vật thể khác.

Thực hiện Luật Di sản văn hóa trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, đồng thời hiện thực hóa cam kết với UNESCO về bảo vệ, phát huy giá trị di sản phi vật thể đại diện nhân loại, từ nhiều năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể để duy trì sức sống của những làn điệu dân ca dân tộc và các di sản phi vật thể khác.


Nuôi dưỡng những làn điệu dân ca


Tính đến nay, trong cả nước có 14 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại đã được UNESCO vinh danh. Đây là vinh dự, nhưng cũng là trách nhiệm của cả nước nói chung và những tỉnh, thành phố có di sản phi vật thể nói riêng. Cùng với 8 địa phương khác khu vực miền Trung vinh dự có di sản nghệ thuật bài chòi được UNESCO công nhận di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Khánh Hòa là một trong những địa phương có nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể. Năm 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi với 7 nhiệm vụ chính được triển khai trong giai đoạn 2020-2023. Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa và Thể thao ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể cho từng năm. Dựa vào đó, các đơn vị, địa phương liên quan trong tỉnh thực hiện việc phục dựng một số tuồng, lớp, tích tiêu biểu về nghệ thuật bài chòi dân gian; phục dựng điểm trò chơi dân gian hô bài chòi giàn; sưu tầm tư liệu, tài liệu, hiện vật liên quan đến nghệ thuật bài chòi; thực hiện sân khấu học đường với nghệ thuật bài chòi; đưa nghệ thuật bài chòi vào phục vụ hoạt động du lịch...
Bên cạnh đó, ngành văn hóa và các tầng lớp nhân dân xứ Trầm hương đã thường xuyên tổ chức, thực hành biểu diễn các di sản phi vật thể khác gồm: Dân ca quan họ Bắc Ninh; đờn ca tài tử Nam Bộ; dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh. Ông Văn Đình Ân - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh cho biết: “Đến nay, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động các câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật dân tộc như: CLB đờn ca tài tử; CLB dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh; CLB dân ca quan họ; CLB bài chòi cổ dân gian. Các CLB này thường xuyên có những hoạt động biểu diễn, phổ biến các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vào phục vụ người dân và du khách. Thông qua đó, vừa tạo sự đa dạng trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật trên địa bàn tỉnh, vừa góp phần duy trì và phát huy những nét đẹp truyền thống trong đời sống hôm nay”.

 

Biểu diễn dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh với hình thức nghệ thuật đường phố.

Biểu diễn dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh với hình thức nghệ thuật đường phố.


Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh thực hiện các liên hoan đờn ca tài tử, chương trình hát dân ca quan họ và dân ca ví dặm. Hội chơi bài chòi dân gian cũng thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân, du khách. TP. Nha Trang cũng định kỳ tổ chức liên hoan hát dân ca - nhạc cổ để những nghệ sĩ không chuyên có dịp thể hiện tình yêu và khả năng của bản thân. Vào mỗi dịp cuối tuần hay các kỳ lễ, Tết, các CLB nghệ thuật truyền thống kể trên lại thực hiện những buổi biểu diễn bằng hình thức nghệ thuật đường phố hoặc tham gia vào các chương trình biểu diễn nghệ thuật lớn do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức. Còn trong các kỳ liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng các cấp, mỗi thành viên các CLB lại trở thành hạt nhân phong trào cho từng địa phương nơi cư trú, cơ quan làm việc để dự thi. “Tham gia vào CLB, mỗi chúng tôi vừa thỏa mãn được niềm yêu thích với các làn điệu dân ca, vừa có dịp được phổ biến, giao lưu nhiều hơn với khán giả. Mong muốn của mỗi thành viên là ngày càng có nhiều người yêu và hát dân ca”, bà Hà Thị Diệp Anh - Chủ nhiệm CLB dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh cho biết.


Quan tâm đúng mức


Các di sản phi vật thể khác như: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng được ngành văn hóa và các tầng lớp nhân dân thực hành định kỳ với các nghi thức cổ truyền mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh việc phát huy các di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, trên địa bàn tỉnh còn có 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm: Lễ hội Tháp Bà Ponagar, Lễ bỏ mả của người Raglai và Lễ hội cầu ngư được người dân gìn giữ, thực hiện một cách lành mạnh dưới sự hướng dẫn, quản lý của các cơ quan chức năng. Điều này đã tạo nên bầu không khí lễ hội văn hóa sôi nổi trong các làng biển, bản làng.


Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, việc thực hiện cam kết phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh không chỉ đối với những di sản đại diện nhân loại, di sản phi vật thể cấp quốc gia trực tiếp liên quan đến địa phương. Với đặc trưng văn hóa giàu tính chất giao lưu, giao thoa giữa các vùng miền, dân tộc nên ở Khánh Hòa còn thực hiện việc phát huy các di sản phi vật thể của các địa phương khác. Điều đó càng gia tăng sự phong phú, đa dạng trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật của địa phương. Ngoài ra, tỉnh còn dành sự quan tâm cần thiết đối với các nghệ nhân là những người trực tiếp thực hành những di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng. Trong mỗi kỳ liên hoan, hội diễn nghệ thuật của tỉnh, ban tổ chức luôn khuyến khích đối với các đội thi có sự đầu tư cho những tiết mục mang màu sắc các di sản văn hóa phi vật thể.

 
GIANG ĐÌNH