10:02, 11/02/2022

Mùa xuân đầu tiên

Cứ mỗi khi xuân về, Văn Cao lại đến với  công chúng yêu nhạc bằng "Mùa xuân đầu tiên" với nét nhạc tươi tắn nhưng dạt dào tình yêu thương con người, dân tộc và hòa bình. Cho đến tận hôm nay, trải qua hơn 40 năm kể từ ngày bản nhạc được sáng tác và gần 30 năm âm giai vang lên gieo vào tâm hồn người nghe thì cảm xúc vẫn rất mới mẻ, lâng lâng.

Cứ mỗi khi xuân về, Văn Cao lại đến với  công chúng yêu nhạc bằng “Mùa xuân đầu tiên” với nét nhạc tươi tắn nhưng dạt dào tình yêu thương con người, dân tộc và hòa bình. Cho đến tận hôm nay, trải qua hơn 40 năm kể từ ngày bản nhạc được sáng tác và gần 30 năm âm giai vang lên gieo vào tâm hồn người nghe thì cảm xúc vẫn rất mới mẻ, lâng lâng.


Theo họa sĩ Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao kể, sau gần 30 năm không đụng đến cây đàn piano ở góc phòng để ký âm những bản nhạc sáng tác thì vào mùa xuân năm 1973, khi nghe tin Hiệp định Paris được ký kết, Văn Cao rất vui và giở sổ phác thảo một bản nhạc. Ông mở nắp cây dương cầm gõ nhẹ vài nốt rồi đậy nắp đàn lại, lặng im nhìn ra cửa sổ. Ông cất bản nhạc phác thảo cho đến mùa xuân năm 1976, khi đất nước hòa bình thống nhất thì bản nhạc “Mùa xuân đầu tiên” mới hoàn thành.

 


Bản nhạc có nhiều ca từ rất đắt giá mang tính triết lý vô cùng sâu sắc như: “Mùa bình thường mùa vui nay đã về” hay “Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh”; “Từ đây người biết quê người, từ đây người biết thương người”… Chúng ta biết rằng Văn Cao ngoài là nhạc sĩ tài danh còn là họa sĩ và nhà thơ vô cùng sâu sắc với những tứ lạ, vì thế lời ca của ông trong ca khúc là một bài thơ hoàn chỉnh cùng với giai điệu. Người viết rất bâng khuâng và thấy xúc cảm bởi câu hình tượng “Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông”. “Mùa xuân đầu tiên”  viết theo điệu valse làm ta nhớ đến bản nhạc “Sông Đa Nuýp xanh” nổi tiếng của Johann Strauss. Văn Cao cũng thế, ông có bản “Trường ca Sông Lô” hoành tráng và lộng lẫy oai hùng trước đó 30 năm. Lần này, Văn Cao cũng trở lại dòng sông ký ức dù rất hư ảo “khói bay trên sông”… Có lẽ giờ phút hòa bình, tự do của Tổ quốc, dân tộc thì cùng với toàn dân, người nghệ sĩ đa cảm như Văn Cao chắc chắn xúc động dâng trào, nhưng ông đã tách một góc trời riêng để cảm nhận riêng mình về hạnh phúc và khổ đau đã trải qua để sáng tạo nghệ thuật. Văn Cao đã “đến một khúc sông” của tiềm thức mình, có thể là bờ lau sông Lô năm xưa, vạt ngô sông Hồng hay bờ dâu sông Đuống… để ngắm làn khói bay như sương tỏa. Đó là bức tranh đẹp tới nao lòng của thiên nhiên và lẽ đương nhiên khúc sông vắng cùng với tiếng sóng rì rào, cỏ reo trong làn gió xuân thì tiếng gà gáy trưa thật thảng thốt, thật lâng lâng hạnh phúc. Tiếng gà âm vang vừa thảng thốt vừa rộn ràng lay động người nhạc sĩ già đã từng trải qua vô vàn những khúc sông cuộc đời… Một trong những bản nhạc thu âm hay nhất do nhạc sĩ Bảo Phúc phối qua giọng ca thiếu nữ 17 tuổi - Thanh Thúy biểu diễn vào mùa xuân 1995. Từ đó, bản nhạc do Thanh Thúy biểu diễn trở thành bất hủ, và ngay cả Thanh Thúy sau này hát cũng không hay như khi mình thuở thiếu nữ.


Với một tâm hồn vô cùng nhạy cảm và giàu cảm xúc yêu thương, thiết tha với hòa bình, với thân phận con người, Văn Cao đã dâng tặng cho công chúng một bản nhạc tuyệt mỹ, trở thành di sản văn hóa nghệ thuật vĩnh cửu cho nền âm nhạc Việt Nam với chủ đề mùa xuân. 

                                                  
Dương Trang Hương