Thời gian qua, chúng ta thấy các cây bút trẻ hay giới thiệu trên mạng xã hội những tác phẩm của mình được chọn đăng trong tuyển thơ, tuyển văn theo chủ đề hoặc đăng trên các trang văn học như: Nhà văn, Cây bút văn, Hội văn, Sáng tác mới…
Thời gian qua, chúng ta thấy các cây bút trẻ hay giới thiệu trên mạng xã hội những tác phẩm của mình được chọn đăng trong tuyển thơ, tuyển văn theo chủ đề hoặc đăng trên các trang văn học như: Nhà văn, Cây bút văn, Hội văn, Sáng tác mới… Đây là tín hiệu vui, góp phần lan tỏa, cho các cây bút mới sáng tác được thể hiện mình với công chúng quan tâm tới văn học nghệ thuật. Vì thực tế hiện nay, số tờ báo, tạp chí có trang văn học rất hạn chế, chủ yếu các báo, tạp chí chuyên ngành Trung ương và địa phương nhưng dung lượng không thỏa mãn nhu cầu của các cây bút sáng tác. Thêm nữa, với việc mạng xã hội phát triển như hiện nay thì sức lan tỏa cùng “thương hiệu” của các tạp chí chuyên nghiệp so với trang văn học mạng hoặc hợp tuyển cá nhân không khác gì nhau, không còn sự độc tôn quảng bá nữa. Do vậy, nhiều cây bút đã tự thân vận động để đưa sản phẩm tinh thần của mình đến gần hơn với công chúng.
Trước hết ta hãy đề cập tới các hợp tuyển văn thơ. Nếu như trước đây, hợp tuyển văn học thường do các cây bút có tên tuổi đứng ra tuyển chọn, ví dụ như “Thi nhân Việt Nam” do Hoài Thanh - Hoài Chân tuyển chọn; thơ thì do các tên tuổi tầm cỡ Xuân Diệu, Chế Lan Viên tuyển…; truyện ngắn do những cây bút lão luyện, hay nhà phê bình nổi tiếng tuyển chọn, như Vũ Ngọc Phan với hợp tuyển “Nhà văn hiện đại”… Họ chính là những “thương hiệu vàng” bảo đảm cho mỗi tác phẩm của mỗi tác giả được chọn sẽ có một chỗ đứng vững chắc, có vinh dự lớn lao với công chúng và văn đàn. Vì thế, những hợp tuyển đó đều có giá trị, được các nhà phê bình văn học đánh giá rất cao, thường xuyên được sử dụng trong nghiên cứu và giải trí suốt theo chiều dài lịch sử của nền văn học. Còn hiện nay, các hợp tuyển theo chủ đề: Mẹ, quê hương, thầy cô hay chung chung như truyện ngắn hay, tuyển thơ hay… được xuất bản rộng rãi nhưng phần lớn người đứng ở vị trí “chủ biên” đều là những cá nhân chưa đạt tầm cỡ và uy tín để tuyển chọn những tác phẩm văn học. Cách thức thực hiện cũng rất đơn giản, họ chọn lọc trên báo, tạp chí rồi liên hệ tác giả yêu cầu gửi để in! Nhiều hợp tuyển do nhóm hay một công ty truyền thông thực hiện, vì thế sẽ mang yếu tố thương mại trong đó…
Về các trang văn nghệ, hiện nay chỉ có một trang do Hội Nhà văn Việt Nam làm chủ quản nhưng các phiên bản thì rất nhiều. Việc các trang văn học mạng đua nở sẽ góp phần tạo không khí sáng tác thêm hứng khởi, tạo bức tranh văn học muôn màu dành cho công chúng. Tuy nhiên, văn học mạng cũng có giới hạn nhất định, tầm ảnh hưởng cũng khó nói. Thực tế là ở các trang này, các cây bút chuyên nghiệp hay có tuổi thường rất ít tham gia mà chủ yếu là các cây bút trẻ, mới sáng tác. Điều đáng nói là hầu như các trang do một cá nhân làm quản trị mạng nên phong cách, nhận thức hay ứng xử đều mang cảm nhận chủ quan. Nhiều trang khởi xướng những trào lưu “phê bình” tác phẩm, tác giả mang tính cá nhân, đi sâu phê phán, bài xích và phủ nhận, thiếu công tâm. Có lẽ muốn tồn tại và phát triển theo đúng tinh thần văn chương, người quản trị các trang này phải có tư duy khoa học, công tâm trong đánh giá hay chọn lựa tác phẩm để đăng tải.
Dương Trang Hương