Từ những năm 60 của thế kỷ XX, ông Võ Triều Dương - hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa đã sưu tầm, lưu giữ nhiều tài liệu quý, những câu chuyện, bài vè tản mát trong đời sống nhân dân. Đến nay, gần bát tuần, ông vẫn lặn lội, miệt mài với nghiệp khơi lại những nguồn xưa.
Từ những năm 60 của thế kỷ XX, ông Võ Triều Dương - hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa đã sưu tầm, lưu giữ nhiều tài liệu quý, những câu chuyện, bài vè tản mát trong đời sống nhân dân. Đến nay, gần bát tuần, ông vẫn lặn lội, miệt mài với nghiệp khơi lại những nguồn xưa.
Khơi lại nguồn xưa
Giữa cái nắng tháng 6 oi nồng, chúng tôi tìm đến thôn Tân Tứ (xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa) để gặp ông Võ Triều Dương tại căn nhà nhỏ nằm cách biệt với những hộ dân khác và được bao quanh bởi vườn bưởi xanh rì. Sinh ra trong gia đình có nhiều thế hệ biết chữ Nho ở xã Ninh Phụng (thị xã Ninh Hòa), từ nhỏ ông Dương đã được các cậu dạy chữ Nho. Vậy nên, ông sử dụng chữ Nho rất thuần thục. Trên giá sách trong nhà, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với nhiều quyển sách chữ Nho có tuổi đời từ 200 đến 300 năm. Biết chữ Nho là lợi thế của ông trong hành trình đi tìm hiểu, ghi chép văn học, văn hóa dân gian suốt mấy chục năm qua. “Từ thời thanh niên đến nay, tôi luôn nặng lòng với việc tìm hiểu vốn sống, nếp sinh hoạt của người xưa, về đất lề quê thói, tập tục trong dân gian. Bằng vốn chữ Nho, tôi đã được đọc nhiều tài liệu, văn bản giá trị của các cụ truyền lại”, ông Võ Triều Dương chia sẻ.
Bắt đầu với nghiệp sưu tầm văn hóa dân gian từ những năm 60 của thế kỷ XX, nhưng phải đến năm 2000, ông Võ Triều Dương mới dành toàn tâm, toàn ý cho công việc này. Và trong hơn 20 năm say mê với nghề, ông đã giới thiệu đến công chúng hàng loạt công trình biên khảo, sưu tầm, biên soạn văn hóa, văn học dân gian có giá trị, được giới chuyên môn đánh giá cao. Có thể kể tên một số tác phẩm như: Người Ninh Hòa kể chuyện xưa (2 tập); Dấu xưa… nền cũ… đất Ninh Hòa; Nhà tranh vách đất trong dân gian Khánh Hòa xưa; Lễ tục và hương ước dùng vào việc tang trong dân gian Khánh Hòa xưa; Vần vè đố và học chữ Nho trong làng quê miền Trung xưa; Đạo thờ cúng tổ tiên trong dân gian Khánh Hòa xưa và nay; Con trâu trong văn hóa dân gian Khánh Hòa… Bên cạnh đó, còn có 15 công trình ông viết chung với các tác giả khác. Những công trình của ông đều nhận được giải thưởng cao của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và được tặng thưởng Văn học Nghệ thuật hàng năm của tỉnh.
Miệt mài với vốn văn hóa dân gian của quê hương, bước chân của ông đã rong ruổi khắp các làng quê xứ Trầm, đặc biệt là với vùng đất quê hương Ninh Hòa. Người dân ở nhiều nơi đã xem ông như người làng nên mỗi lúc cần biết, cần hỏi một vấn đề gì liên quan đến cộng đồng dân cư đều tìm đến ông. “Mấy năm trước, các cụ hào lão trong làng có nguyện vọng về việc công nhận núi Ông Tây trở thành di tích lịch sử văn hóa. Khi biết chuyện, ông Võ Triều Dương đã tình nguyện đi sưu tầm các tư liệu, thông tin để chứng minh ý nghĩa của địa danh núi Ông Tây trong phong trào Cần Vương. Đến nay, tuy nơi đây vẫn chưa được công nhận, xếp hạng di tích nhưng người dân vẫn biết ơn đóng góp của ông Võ Triều Dương đã làm sáng rõ và khơi gợi niềm tự hào quê hương trong mỗi người”, ông Đào Đức Hải (thôn Phú Sơn, xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa) cho biết.
Canh cánh với nghề
Sưu tầm, biên soạn văn hóa dân gian là công việc đòi hỏi sự hiểu biết, tính cẩn thận, chịu khó đi thực tế đến tận nơi, gặp từng người mới mong có được những thông tin, tư liệu giá trị. Nguồn tư liệu văn hóa trong dân gian vốn dồi dào, phong phú, nhưng cũng nhiều dị bản, biến thể. Vậy nên, người đi sưu tầm phải biết chọn lọc, đánh giá thông tin, tư liệu chính xác. Có lẽ vì yêu cầu khắt khe của công việc này nên những người theo nghề thường mang trong mình niềm đam mê lớn lao với kho tàng văn hóa của người xưa truyền lại. Ông Võ Triều Dương chia sẻ: “Tôi theo nghề này chỉ vì niềm đam mê, mong muốn làm điều có ích cho quê hương. Điều hạnh phúc nhất là mỗi lần được cầm trên tay những công trình của mình đã được xuất bản”.
Theo một cán bộ Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, những công trình sưu tầm, biên soạn về văn hóa, lịch sử của ông Võ Triều Dương thường chi tiết, súc tích, rõ ràng; tổng hợp nhiều thông tin quan trọng lưu truyền trong nhân dân từ xưa đến nay. Vì thế, các tác phẩm đó có giá trị tham khảo mỗi khi đơn vị lập hồ sơ khoa học để công nhận một địa điểm, địa danh nào đó là di tích lịch sử văn hóa. Ông Nguyễn Văn Thích - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Khánh Hòa cho biết, trong đội ngũ những người làm văn nghệ dân gian của tỉnh, ông Võ Triều Dương là người có kiến thức chuyên môn tốt về văn hóa dân gian Khánh Hòa. Tuy đã 78 tuổi nhưng hàng năm ông đều cho ra đời những công trình sưu tầm, biên soạn chuyên sâu về văn hóa, văn học của tỉnh Khánh Hòa, nhất là vùng đất Ninh Hòa. Các tác phẩm của ông nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn trong nước. Hiện nay, Chi hội Văn nghệ dân gian Khánh Hòa có 12 hội viên. Trong đó, hơn nửa số hội viên đã bước qua tuổi 60. Một số hội viên không còn hoạt động tích cực như trước. Vậy nên, những hội viên tích cực như ông Võ Triều Dương rất đáng trân trọng.
Văn hóa, văn học dân gian là một phần của bản sắc văn hóa dân tộc, ở phạm vi hẹp hơn là bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền, làng bản. Đó là cái gốc cần được gìn giữ và phát huy trong hiện tại và mai sau. Tuy nhiên, nhìn vào đội ngũ những người làm công việc này thực sự đáng lo. Theo thời gian, số người cao tuổi nắm giữ thông tin, tư liệu dân gian dần thưa vắng. Sự ra đi của họ đã mang theo những tư liệu truyền khẩu chưa được ghi chép thành văn bản rất đáng tiếc. Trong khi số lượng những người làm công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian hiện còn rất ít nên để có thể ghi chép lại đầy đủ các lĩnh vực, khía cạnh của văn nghệ dân gian Khánh Hòa là điều không dễ. Khó khăn là vậy, nhưng cơ chế, chính sách hỗ trợ còn khá eo hẹp. “Mỗi năm, cố gắng lắm tôi cũng chỉ có thể hoàn thành được 1 công trình. Nhưng mình làm cốt để lưu lại cho mai sau, chứ hoàn toàn không dám nghĩ đến chuyện kinh phí”, ông Võ Triều Dương cho biết.
Chia tay ông, chúng tôi giữ cho mình ấn tượng về một người nặng lòng với văn hóa dân gian xứ Trầm. Trên bàn làm việc, những tập tài liệu, bản thảo về công trình Văn hóa phục sức và trang sức của người Khánh Hòa ngày xưa vẫn đang được ông dần hoàn thiện trong thời gian sớm nhất. Và chúng tôi thầm cảm ơn về những điều ông đã làm cho quê hương.
Nhân Tâm