Tín ngưỡng thờ Mẫu đã gắn bó với người dân Khánh Hòa từ lâu đời. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 200 di tích thờ Mẫu Thiên Y A Na. Trong đó, Tháp Bà Ponagar được xem là trung tâm của tín ngưỡng này ở xứ Trầm. Đây là những tiềm năng để thúc đẩy hoạt động du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu.
Tín ngưỡng thờ Mẫu đã gắn bó với người dân Khánh Hòa từ lâu đời. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 200 di tích thờ Mẫu Thiên Y A Na. Trong đó, Tháp Bà Ponagar được xem là trung tâm của tín ngưỡng này ở xứ Trầm. Đây là những tiềm năng để thúc đẩy hoạt động du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu.
Tại hội thảo về chủ đề Thực hành nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na ở Khánh Hòa do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức mới đây, các đại biểu dành nhiều sự quan tâm đến việc đưa tín ngưỡng thờ Mẫu thành một sản phẩm du lịch tâm linh đặc trưng ở Khánh Hòa. Nói về nét đặc trưng tín ngưỡng thờ Mẫu ở Tháp Bà Ponagar, Tiến sĩ Hoàng Cầm - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng: “Tâm thức và thực hành tín ngưỡng tôn giáo ở Tháp Bà rất đa dạng và phong phú. Sự hình thành các tín ngưỡng tôn giáo khác nhau của bản thân các nhóm người Kinh và giữa người Kinh với người Chăm được xây dựng trên cơ sở của quá trình thương thỏa, sự bao dung giữa các nhóm người và tộc người”. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định, hệ thống thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được nhìn nhận như một di sản văn hóa phi vật thể với những giá trị, chức năng không thể thiếu của cộng đồng, của tín đồ, người dân.
Giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Khánh Hòa là điều đã được khẳng định và đang hiện hữu một cách sinh động trong đời sống tâm linh của người dân. Theo số liệu của Sở Văn hóa và Thể thao, trong toàn tỉnh có hơn 200 cơ sở thờ tự Thánh Mẫu Thiên Y A Na, trong đó có 19 điểm tiêu biểu thường xuyên thu hút lượng lớn người dân và du khách như: Di tích Am Chúa, chùa Suối Đổ và di tích Tháp Bà Ponagar. “Tiếp biến văn hóa Việt - Chăm qua tín ngưỡng Thiên Y A Na được coi là nguồn lực nhân văn trong phát triển du lịch ở Khánh Hòa. Do vậy, phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu ở Khánh Hòa có mối quan hệ mật thiết với nhau”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bốn - Trường Đại học Khánh Hòa cho biết.
Sự kết nối giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu gắn với hoạt động du lịch là bước đi cần thiết để vừa phát huy hiệu quả giá trị di tích, vừa góp phần phát triển hoạt động du lịch địa phương. Nhưng làm thế nào để bảo tồn, khai thác tốt giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu trong xu hướng phát triển du lịch thì cần chính quyền địa phương vào cuộc. Nên chăng, từ cấp tỉnh đến cấp huyện cần tính đến việc xây dựng các mô hình khai thác giá trị tín ngưỡng tâm linh này vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó có các chính sách đầu tư về cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch để đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về phong tục tín ngưỡng dân gian này.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thị Kiều Phượng - Hội Bảo tồn Di sản văn hóa và Du lịch tâm linh Khánh Hòa, để quảng bá hình ảnh các di tích thờ Mẫu, Sở Văn hóa và Thể thao cần có sự kết nối chặt chẽ với các công ty lữ hành, công ty du lịch để giới thiệu hình ảnh các di tích, lễ hội, từ đó đưa vào chương trình tour của các công ty.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thống nhất tín ngưỡng thờ Mẫu tại Khánh Hòa là nơi tích hợp nhiều loại hình văn hóa đa dạng của người Việt và người Chăm nên rất phù hợp để phát triển du lịch văn hóa tâm linh, thậm chí có thể xây dựng thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu của Khánh Hòa.
Có thể thấy, việc gìn giữ, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu đang là đòi hỏi cần thiết. Trong chặng đường đó có vấn đề gắn kết giá trị tâm linh tín ngưỡng với kinh tế du lịch. Đây cũng là cách để nâng tầm giá trị, hiệu quả thiết thực của tài nguyên văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Giang Đình