Cuốn sách là tuyển tập những tài liệu, hình ảnh do cơ quan lưu trữ Việt Nam-Nga, Thông tấn xã Việt Nam và anh hùng Phạm Tuân cung cấp. Một số thông tin trong sách vừa được giải mật.
Cuốn sách là tuyển tập những tài liệu, hình ảnh do cơ quan lưu trữ Việt Nam-Nga, Thông tấn xã Việt Nam và anh hùng Phạm Tuân cung cấp. Một số thông tin trong sách vừa được giải mật.
Ngày 12/4, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm chuyến bay vào vũ trụ của nhà du hành Yuri Gagarin và 40 năm chuyến bay vào vũ trụ của anh hùng Phạm Tuân.
Nhân dịp này, hai đơn vị tổ chức ra mắt ấn phẩm lưu trữ “Chuyến du hành vũ trụ lịch sử” gồm ba phần: “Hợp tác nghiên cứu vũ trụ vụ công tác chuẩn bị và quá trình huấn luyện trước chuyến bay năm 1980,” “Khởi hành và hoạt động,” và “Trở về Trái Đất.”
Cuốn sách là tuyển tập những tài liệu, hình ảnh tiêu biểu được lựa chọn từ các cơ quan lưu trữ và văn hóa của hai nước: Viện Lưu trữ Lịch sử Chính trị Xã hội Quốc gia Nga, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam, Thông Tấn Xã Việt Nam và một số tài liệu do nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân cung cấp. Đặc biệt, trong sách có một số tài liệu vừa giải mật lần đầu tiên được công bố giới thiệu với bạn đọc.
Nhân dịp này, bộ phim “Yuri Gagarin- 7 năm đơn độc” cũng được giới thiệu tới công chúng lần đầu tiên.
Bộ phim kể nhiều câu chuyện thú vị về cuộc đời của Yuri Gagarin. Cả thế giới vỗ tay hoan hô anh. Nhiều ngôi sao và những người quyền quý muốn chụp ảnh cùng anh, còn anh mơ ước duy nhất một điều. Đó là bay và khám phá những nơi chưa được biết đến. Vinh quang đến với anh năm 27 tuổi và anh qua đời khi chỉ mới 34 tuổi.
Bộ phim do Công ty Phát thanh và Truyền hình Trung ương Toàn Nga cung cấp và cán bộ của Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội làm phụ đề.
Song song với lễ kỷ niệm là triển lãm ảnh “60 năm chuyến bay vào vũ trụ của Yuri Gagarin” tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga (Hà Nội).
Triển lãm bao gồm hơn 20 bức ảnh về cuộc sống của nhà du hành vũ trụ đầu tiên trên Trái Đất, cung cấp bởi Cơ quan Lưu trữ Nhà nước Nga về Tài liệu Khoa học và Kỹ thuật Trung tâm đào tạo phi hành gia Yuri Gagarin và Trung tâm vận hành các cơ sở hạ tầng không gian. Đó là những bức ảnh của anh chụp cùng gia đình, bạn bè, các đại biểu cấp cao.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Nga Konstantin Vnukov cho biết Việt Nam, Liên Xô-Liên Bang Nga có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Ngày 14/1/1950, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra tuyên bố về việc sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các nước trên thế giới. Liên Xô là một trong những nước đầu tiên công khai thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam. Quan hệ hai nước đã trải qua chặng đường 70 năm lịch sử với những thành tựu quan trọng toàn diện.
“Từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Liên Xô đã triển khai ký kết hàng loạt các văn bản, hiệp định, hiệp ước hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, quân sự...; trong đó có lĩnh vực hàng không vũ trụ. Từ đó dẫn tới sự kiện lịch sử năm 1980, anh hùng Phạm Tuân trở thành người Việt Nam đầu tiên bay vào không gian. Việt Nam trở thành nước châu Á đầu tiên có người bay vào vũ trụ,” Đại sứ cho biết.
Theo vietnamplus.vn