10:04, 09/04/2021

Tín ngưỡng thờ Mẫu: Đâu rồi những nét riêng?

Hát văn, múa bóng là một trong những nét văn hóa đặc trưng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, nhưng hiện nay, loại hình này đang bị biến tướng và nảy sinh những biểu hiện tiêu cực, làm mất đi giá trị, vẻ đẹp vốn có.

Hát văn, múa bóng là một trong những nét văn hóa đặc trưng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, nhưng hiện nay, loại hình này đang bị biến tướng và nảy sinh những biểu hiện tiêu cực, làm mất đi giá trị, vẻ đẹp vốn có.


Thực trạng đáng lo


Tín ngưỡng thờ Mẫu đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Nha Trang - Khánh Hòa được xem là một trong những trung tâm thờ Mẫu của khu vực miền Trung. Tín ngưỡng thờ Mẫu tại Khánh Hòa có những nét riêng, trong đó đặc sắc nhất là sự giao thoa văn hóa giữa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Kinh với tục thờ Pô Inư Nagar của đồng bào Chăm. Liên quan đến việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, người dân Khánh Hòa vẫn truyền nhau câu ca “Ai về Xóm Bóng thăm nhà/Hỏi xem điệu múa dâng Bà còn chăng…”.

 

Các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh  tái hiện nghệ thuật hát văn, múa bóng trên sân khấu. (Ảnh minh họa)

Các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh tái hiện nghệ thuật hát văn, múa bóng trên sân khấu. (Ảnh minh họa)


Tuy nhiên, hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đang nảy sinh nhiều biến tướng. Cứ vào mỗi dịp lễ hội Am Chúa, lễ hội Tháp Bà Ponagar hay những ngày vía Mẫu hàng tháng, tại nhiều di tích, điện thờ không khó để bắt gặp hình ảnh những thanh đồng, cung văn lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi cá nhân. “Có lần tôi được xem màn múa bóng của một đoàn hành hương nhưng lại sử dụng bài nhạc Lý ngựa ô để múa. Hình ảnh các ông đồng, bà cốt ngày càng xa cách, lạ lẫm và mang kiểu đồng bóng, dị đoan”, ông Nguyễn Văn Dũng (phường Vạn Thắng, TP. Nha Trang) cho biết.


Theo ông Nguyễn Tứ Hải - nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, người có nhiều năm tìm hiểu về nghệ thuật hát văn, múa bóng, thực trạng việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đang có những vấn đề đáng báo động. Trong suốt một thời gian dài, chúng ta chưa quan tâm đúng mức, chưa đặt đúng tầm giá trị của nghệ thuật hát chầu văn, múa bóng trong dòng chảy văn hóa dân gian. Chính vì thế đã sinh ra những biểu hiện tiêu cực trong thực hành hát văn, múa bóng. Có rất nhiều thanh đồng, cung văn đang lợi dụng tín ngưỡng, lòng tin của người dân để hoạt động mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, thậm chí dẫn dắt người dân vào con đường bài bạc, số đề. Vậy nên, phần âm nhạc, vũ đạo của những màn hát văn, múa bóng cũng trở nên sai lệch.

 

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Trưởng Ban quản lý di tích Tháp Bà Ponagar cũng cho biết, tại di tích Tháp Bà Ponagar không tổ chức hoạt động hầu đồng nhưng vẫn bố trí cho các đoàn hành hương múa bóng dâng Mẫu vào dịp lễ hội Tháp Bà Ponagar. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng các đoàn sử dụng âm nhạc không phù hợp, thậm chí phản cảm để múa. Do đó, đơn vị đã phát đĩa nhạc phù hợp để các đoàn diễn. Trong màn múa của các đoàn cũng hạn chế số lượng người lên sân khấu và đề nghị người dân không thực hiện phần đốt mâm lễ để đảm bảo an toàn.

 

 Một màn biểu diễn múa bóng trong lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2019. (Ảnh minh họa)

Một màn biểu diễn múa bóng trong lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2019. (Ảnh minh họa)


 


Cần có sự quản lý


Nghệ thuật hát văn, múa bóng trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Khánh Hòa có quy trình thể hiện riêng, có những nhân vật, linh vật và đặc biệt là hệ thống âm nhạc riêng. Quá trình thực hiện loại hình nghệ thuật này cũng đã xuất hiện những nghệ nhân được nhiều người biết đến, trong đó có Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Tâm (ở đường Hà Thanh, TP. Nha Trang). Rất tiếc, người cung văn có tài năng và tâm huyết này đã không còn nên để lại một khoảng trống cho loại hình nghệ thuật độc đáo hát văn, múa bóng. Đến bây giờ, để tìm được một người có thể thực hành đúng cách thức, thần thái, kỹ thuật, làn điệu hát văn, múa bóng rất khó. “Năm 2011, tôi đã từng đề xuất thành lập một câu lạc bộ hát văn, múa bóng do nghệ nhân Trần Thị Tâm truyền nghề nhưng đáng tiếc điều đó đã không được ủng hộ. Hiện nay, việc khôi phục nghệ thuật chầu văn, múa bóng một cách chân chính còn nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Tứ Hải cho biết.


Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, cuối tháng 4, sở sẽ tổ chức hội thảo về chủ đề thực hành nghi lễ, tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na ở Khánh Hòa. Thông qua hội thảo sẽ làm rõ thêm những giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống tinh thần của người dân; những quy trình thực hành nghi lễ dâng hương, dâng hoa, múa bóng, hát văn trong các ngày vía Mẹ, thống nhất cách thức để từng bước định hướng việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu cho các đoàn hành hương. Từ đó, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định, giải pháp quản lý phù hợp đối với hoạt động này.


Giang Đình