Gần 10 năm qua, các hội viên Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã có nhiều nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu nhằm góp phần giới thiệu lịch sử vùng đất Khánh Hòa đến mọi người, nhất là thế hệ trẻ.
Gần 10 năm qua, các hội viên Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) tỉnh đã có nhiều nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu nhằm góp phần giới thiệu lịch sử vùng đất Khánh Hòa đến mọi người, nhất là thế hệ trẻ.
Nhiều đề tài áp dụng vào thực tế
Được thành lập năm 2012, đến nay, Hội KHLS tỉnh có 130 hội viên. Một trong những hoạt động nhận được sự tham gia nhiệt tình của hội viên chính là việc thực hiện các công trình khoa học. Nhiều công trình nghiên cứu, đề tài của hội viên đã được áp dụng vào thực tế và mang lại hiệu quả tích cực. Theo ông Lê Văn Thỉnh - Chủ tịch Hội KHLS tỉnh, hội viên của hội đã trực tiếp thực hiện 5 đề tài cấp tỉnh, 10 đề tài cấp cơ sở; tham gia các hội thảo khoa học, tham gia phản biện xã hội. Nhiều công trình nghiên cứu đã được các hội viên công bố trên các báo, tạp chí và áp dụng vào thực tiễn công tác.
Các đề tài, công trình nghiên cứu cấp tỉnh của hội viên có thể kể đến như: Biên soạn tài liệu dạy học lịch sử địa phương Khánh Hòa; Nghiên cứu địa danh lịch sử văn hóa tiêu biểu ở Khánh Hòa; Nghiên cứu, thống kê văn hóa tiền sơ sử Khánh Hòa; Lịch sử giáo dục cách mạng tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 1945 - 1975; Biên soạn tài liệu dạy học lịch sử địa phương Khánh Hòa cấp tiểu học theo hướng tích hợp… Trong đó, công trình Biên soạn tài liệu dạy học lịch sử địa phương Khánh Hòa đã được ứng dụng nhiều vào thực tế dạy học tại các địa phương, nhà trường.
Trên cơ sở nội dung công trình nói trên, nhiều hội viên đã tiếp tục biên soạn các chuyên đề riêng để phù hợp với điều kiện dạy học lịch sử địa phương nơi mình công tác. Đó là các hội viên: Trần Quang Huy - Trường THCS Đống Đa (huyện Vạn Ninh), Nguyễn Thị Kim Anh - Trường THPT Nguyễn Trãi (thị xã Ninh Hòa), Nguyễn Trọng Tấn - Trường THPT Nguyễn Thái Học (huyện Diên Khánh), Võ Ngọc Anh - Trường THPT Trần Bình Trọng (huyện Cam Lâm), Nguyễn Thị Thanh Vân - Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật (TP. Nha Trang), Nguyễn Thị Anh - Trường THPT Khánh Sơn (huyện Khánh Sơn), Lê Viết Quân - Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP. Cam Ranh)… “Bản thân tôi cảm thấy rất vui khi được tạo điều kiện để thực hiện 3 đề tài khoa học cấp tỉnh. Tất cả các đề tài của tôi sau khi được nghiệm thu đều đã in thành sách lưu hành trên địa bàn tỉnh và được nhiều người dựa vào đó để xây dựng nên tài liệu giảng dạy lịch sử địa phương trong nhà trường”, bà Nguyễn Thị Kim Hoa - hội viên Hội KHLS tỉnh cho biết.
Tích cực giáo dục truyền thống
Song song với việc tìm hiểu, nghiên cứu, giới thiệu lịch sử Khánh Hòa, các hội viên của Hội KHLS tỉnh đã thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống địa phương. Hội đã tổ chức các cuộc triển lãm có chủ đề: Bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa; thi hỏi đáp về biển đảo… Thông qua đó, các học sinh đã được tiếp nhận kiến thức lịch sử một cách sinh động và hiểu rõ hơn về biển đảo Tổ quốc, cũng như chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Hội viên đang công tác tại các trường đại học, trường phổ thông đã tích cực đưa thông tin lịch sử địa phương vào các bài giảng. Các thầy cô đã đưa ra nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong đổi mới phương pháp giáo dục môn Lịch sử. Thông qua đó, góp phần thiết thực giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho học sinh, sinh viên, nhất là lịch sử địa phương. Các hội viên cũng thường xuyên đi thực tế về căn cứ Đồng Bò (TP. Nha Trang); các di tích cấp quốc gia tại thị xã Ninh Hòa; căn cứ cách mạng Tô Hạp (huyện Khánh Sơn); tham quan Vùng 4 Hải quân và các di tích tại Cam Ranh… Sau những chuyến đi đó, Hội KHLS tỉnh đã thiết kế chương trình trải nghiệm về các địa chỉ đỏ cho học sinh, sinh viên các trường.
Từ những hoạt động trên, Hội KHLS tỉnh đã góp phần trang bị kiến thức về lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội của địa phương đến mọi người; giúp học sinh, sinh viên hiểu và có ý thức hơn trong việc bảo vệ di sản văn hóa, phát huy giá trị lịch sử tỉnh. “Thời gian tới, Hội KHLS tỉnh sẽ tiếp tục tham gia vào nhiều đề tài cấp tỉnh, cấp cơ sở. Đặc biệt, chúng tôi đang đề xuất thực hiện công trình nghiên cứu lịch sử tỉnh Khánh Hòa trước năm 1930. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức một số cuộc hội thảo khoa học; mời các thành viên Hội KHLS Việt Nam hoặc các chuyên gia lịch sử báo cáo các chuyên đề lịch sử; tiếp tục quan tâm đến việc giáo dục lịch sử địa phương trong nhà trường”, ông Lê Văn Thỉnh cho biết.
Giang Đình