11:05, 15/05/2020

Giữ gìn nét đẹp lễ hội

Hàng năm, tại Khánh Hòa diễn ra khoảng 1.000 lễ hội lớn, nhỏ. Đây vừa là niềm vui, niềm tự hào nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý, tổ chức đối với ngành Văn hóa và các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh.

Hàng năm, tại Khánh Hòa diễn ra khoảng 1.000 lễ hội lớn, nhỏ. Đây vừa là niềm vui, niềm tự hào nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý, tổ chức đối với ngành Văn hóa và các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh. 


Để lễ hội là những ngày vui


Theo số liệu từ Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT), trên địa bàn tỉnh hiện có 176 di tích cấp tỉnh, 16 di tích cấp quốc gia, 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là những đình, đền, chùa, miếu, tháp, lăng…, cùng hơn 1.500 di sản ngữ văn dân gian, lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống… Hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 1.000 lễ hội được diễn ra, gồm: lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài. Trong đó, lễ hội truyền thống tại các cơ sở thờ tự chiếm số lượng lớn nhất.

 

Nghi thức cúng tế của đồng bào Chăm tại lễ hội Tháp Bà Ponagar. (Ảnh  minh họa)

Nghi thức cúng tế của đồng bào Chăm tại lễ hội Tháp Bà Ponagar. (Ảnh minh họa)


TP. Nha Trang là địa phương diễn ra nhiều hoạt động lễ hội trong năm. Để việc quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội được bài bản, chặt chẽ, phù hợp với truyền thống, đúng quy định của pháp luật, địa phương đã có sự chỉ đạo sát sao, toàn diện từ thành phố đến các thôn, tổ dân phố. Những lễ hội truyền thống của người dân như: Lễ hội Cầu ngư, lễ cúng lăng, cúng đình ở các làng đều được diễn ra trên tinh thần trang nghiêm, an toàn, tiết kiệm, huy động được sự tham gia tích cực của người dân. Những biểu hiện tiêu cực, mê tín dị đoan, lợi dụng lễ hội để kinh doanh thương mại đã được loại bỏ. Lễ hội diễn ra thuần túy mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, nhân dân no ấm, tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền hiền, hậu hiền, các anh hùng liệt sĩ. Nét đẹp truyền thống này đáp ứng được nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng, đạo lý của nhân dân nên được nhân dân giữ gìn và phát huy.


Theo bà Nguyễn Thị Kim Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh, những năm qua, địa phương đã chú trọng quản lý và tổ chức lễ hội đảm bảo tính trang trọng, thiết thực, hiệu quả. Ban tổ chức các ngày lễ lớn của huyện được thành lập để điều hành, tổ chức tốt các lễ hội. Tại các di tích lịch sử được xếp hạng, cơ sở thờ tự của các tôn giáo đều thành lập ban quản lý, ban thờ tự. Vì thế, hoạt động tế lễ diễn ra nề nếp, các hành vi, biểu hiện tiêu cực trong lễ hội được kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn.


Tăng cường quản lý hoạt động lễ hội


Thực hiện Chỉ thị số 41, ngày 5-2-2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh luôn được tổ chức trang trọng, gìn giữ được bản sắc và giá trị vốn có. Qua đó, góp phần tôn vinh, bảo tồn nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của nhân dân. “Sở VH-TT đã thường xuyên, kịp thời ban hành các văn bản triển khai thực hiện đến các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Nội dung của Chỉ thị số 41 được triển khai đầy đủ, rộng khắp từ cấp tỉnh tới cấp thôn. Qua đó, công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các địa phương đã có những chuyển biến rõ rệt, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm và lòng tự hào của người dân đối với di sản văn hóa của dân tộc”, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở VH-TT cho biết.


Trên thực tế, hoạt động lễ hội ở Khánh Hòa tuy nhiều về số lượng nhưng đa số có quy mô nhỏ cấp thôn, tổ dân phố. Số lễ hội quy mô cấp tỉnh, cấp quốc gia tương đối ít. Thời gian diễn ra lễ hội thường không quá dài. Tính chất, hình thức, nội dung các lễ hội cũng không quá phức tạp như một số địa phương khác trong nước. Cùng với đó, công tác quản lý và tổ chức lễ hội được thống nhất về đầu mối là Sở VH-TT nên những chỉ đạo từ cấp trên đã được triển khai kịp thời. Việc phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn của tỉnh và chính quyền địa phương được tiến hành chặt chẽ, đúng chức năng, nhiệm vụ, có sự phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng. Chẳng hạn, đối với các lễ hội như: Am Chúa (huyện Diên Khánh), lễ giỗ Tổ Hùng Vương (TP. Nha Trang)… do địa phương hoặc ban quản lý di tích đứng ra tổ chức nhưng Sở VH-TT đều tham gia hướng dẫn và phối hợp. Đối với lễ hội Tháp Bà Ponagar, Sở VH-TT là đơn vị đứng ra tổ chức. Những biểu hiện tiêu cực trong lễ hội như: mê tín dị đoan, đốt vàng mã, xin ăn, trộm cướp, đặt thùng công đức tràn lan… đều được kiểm soát chặt chẽ, không để diễn ra, gây nên những hình ảnh phản cảm trong lễ hội. Tuy nhiên, trong công tác quản lý, tổ chức vẫn gặp những hạn chế liên quan đến đặc điểm không gian các di tích diễn ra lễ hội nằm trong khu dân cư đông đúc, đường đi nhỏ hẹp, gây khó khăn cho việc đi lại; một số hộ dân ở gần các di tích chưa quan tâm tới việc giữ gìn cảnh quan môi trường vệ sinh xung quanh...


Giang Đình