Những nhân chứng cuối cùng là tác phẩm thứ hai trong loạt sách 5 cuốn Những giọng nói không tưởng đã mang đến cho nhà văn Svetlana Alexievich giải Nobel văn chương năm 2015. Trong cuốn sách này, bà đã ghi lại lời kể của những "trẻ em" về ký ức đau thương trong cuộc chiến tranh vệ quốc của người dân Liên Xô (cũ), tội ác của quân phát xít Đức…
Những nhân chứng cuối cùng là tác phẩm thứ hai trong loạt sách 5 cuốn Những giọng nói không tưởng đã mang đến cho nhà văn Svetlana Alexievich giải Nobel văn chương năm 2015. Trong cuốn sách này, bà đã ghi lại lời kể của những “trẻ em” về ký ức đau thương trong cuộc chiến tranh vệ quốc của người dân Liên Xô (cũ), tội ác của quân phát xít Đức…
Cũng giống như tác phẩm Chiến tranh không mang gương mặt phụ nữ, khi thể hiện Những nhân chứng cuối cùng, nhà văn Svetlana tiếp tục trung thành với thể loại văn xuôi tư liệu. Nhà văn đã bỏ ra hàng năm trời đi khắp Belarus - vùng đất bị phát xít Đức giày xéo sớm nhất khi xâm chiếm Liên Xô năm 1941, trò chuyện với những trẻ em ngày ấy để thu nhận những tư liệu chân thực nhất có thể. “Cuộc chiến cướp mất hàng chục triệu con người Liên Xô đã khiến nhiều ngôi làng sau chiến tranh không còn bóng đàn ông, và tại những ngôi nhà góa bụa đó tôi thường nghe được hai câu chuyện: một của người mẹ và một của đứa con. Người ta quen nghe nói về chiến tranh từ người lớn, nhưng chỉ những chuyện kể từ miệng trẻ em mới có thể bộc lộ hết sự điên rồ của chiến tranh, sự hung bạo phi nhân tính không gì có thể biện bạch”, Svetlana chia sẻ.
Trong hơn 330 trang sách, nhà văn Belarus đã trình chiếu những thước phim quay chậm về ký ức trẻ thơ rất tinh khôi nhưng cũng đầy đau đớn của các trẻ em Xô Viết. Khi quân phát xít Đức tràn vào thủ đô Minks của Belarus, tất cả chìm trong hoang tàn. Nhiều trẻ em ngày ấy đã kể lại họ không có ký ức tuổi thơ, tuổi thơ của họ là chiến tranh, chết chóc. Người đọc liên tục bắt gặp những dòng hồi ức đau thương. Có những em bé vì quá khiếp đảm trước sự tàn bạo của quân phát xít Đức sau một đêm đã bạc trắng tóc; chuyện đói khát phải ăn cả đất, cả cây cỏ để sinh tồn. “Mùa xuân, trong bán kính vài cây số không còn cái cây nào đâm chồi nảy lộc. Bởi chúng tôi đã ăn hết tất cả chồi mầm, chúng tôi tước cả lớp vỏ non. Chúng tôi ăn cỏ, ăn sạch”, Zina Kosyak khi ấy mới 8 tuổi nhớ lại.
Trong cuốn sách có rất nhiều hồi ức tố cáo sự tàn ác của quân phát xít Đức đối với người dân Xô Viết. Có những em bé bị lính Đức tạt nước sôi khi đến xin ăn súp đậu; có người cộng sản làm hội đồng thôn bị đập bể đầu… Sau chiến tranh, nhiều trẻ em đã mang theo nỗi ám ảnh về chết chóc. Chiến tranh kết thúc, nhưng vết sẹo tinh thần còn đeo đẳng đến hết cuộc đời!
75 năm đã trôi qua kể từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc (9-5-1945). Những người lính vệ quốc của đất nước Liên Xô (cũ) năm xưa nay đã già rồi. Ký ức của các nhân chứng về cuộc chiến tranh vĩ đại của đất nước Xô Viết - Nga đang dần phôi pha. Chính vì vậy, những dòng ký ức của những trẻ em đã sống trong thời khắc lịch sử ấy sẽ góp phần tô thêm ý nghĩa của cuộc chiến tranh thắng chủ nghĩa phát xít, nhất là khi bóng ma chiến tranh vẫn chưa bao giờ thôi đe dọa nền hòa bình thế giới. Đọc Những nhân chứng cuối cùng, tôi liên tưởng tới những ký ức đau thương của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975) với những trận càn quét dã man, những trận đánh bom như rải thảm xuống miền Bắc… Hiểu sự đau thương của chiến tranh để trân trọng hơn giá trị của hòa bình! Và như nhà văn Svetlana chia sẻ: “Nước mắt trẻ thơ, dẫu chỉ một giọt thôi, cũng nặng hơn vô vàn lý lẽ chiến tranh nào”!
THÀNH NGUYỄN