11:02, 02/02/2020

Đẹp thay đất và người Khánh Hòa

Có nơi đâu như vùng đất này, từ trong tên đất đã toát lên tinh thần vui tươi, lạc quan, hiền hòa, thân thiện. Tên đất vận vào hồn người để hun đúc nên tính cách, tâm tình của những cư dân từ thời khai cơ lập nghiệp đến mãi hôm nay.
 

Có nơi đâu như vùng đất này, từ trong tên đất đã toát lên tinh thần vui tươi, lạc quan, hiền hòa, thân thiện. Tên đất vận vào hồn người để hun đúc nên tính cách, tâm tình của những cư dân từ thời khai cơ lập nghiệp đến mãi hôm nay.
 
 
Nét xuân của người Khánh Hòa. 

Nét xuân của người Khánh Hòa. 

 
Trong nhiều lần trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban, chúng tôi luôn cảm nhận được niềm say mê của ông khi cắt nghĩa về hai chữ Khánh Hòa. Tên gọi của một vùng đất vốn mang tính hành chính nhưng ẩn chứa trong đó biết bao duyên cớ, bao mong ước, kỳ vọng của người xưa. “Đất khánh, người hòa, trải qua biết bao biến thiên của lịch sử mà đất, người nơi đây vẫn vậy. Từ đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng, núi non, biển cả mang nhiều yếu tố thuận lợi đã dần tạo nên bản tính con người nơi đây ôn hòa, nhân hậu, điềm tĩnh. Và đến bây giờ, người Khánh Hòa đi đâu cũng vẫn giữ được tính nết đó. Người ở các vùng miền khác đến sống ở Khánh Hòa lâu ngày cũng dần thay tính đổi nết theo người địa phương”, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban chia sẻ.
 
Theo sử sách, trước năm 1653, lãnh thổ nước Đại Việt về phương nam mới đến đất Phú Yên và dãy Thạch Bi Sơn (hay núi Đại Lãnh) được lấy làm ranh giới tự nhiên giữa Đại Việt với Chiêm Thành. Vì có việc, vào năm 1653, vua của nước Chiêm Thành là Bà Bật (hay còn gọi Bà Tấm, Bà Tranh) đã vượt Thạch Bi Sơn để quấy phá vùng đất biên giới Phú Yên nên chúa Nguyễn Phúc Tần quyết định cho quân đi chinh phạt Chiêm Thành, từ đó mở rộng bờ cõi về phương nam đến tận sông Phan Rang. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Đời Thái Tông Hiếu Triết Hoàng đế Nguyễn Phúc Tần năm thứ 5 là năm Quý Tỵ (1653) sai Cai Cơ Hùng Lộc đánh dẹp. Người Chiêm hàng, do đấy chiếm lấy đất từ sông Phan Rang trở về phía đông đến địa giới Phú Yên, đặt dinh Thái Khang gồm 2 phủ Thái Khang, Diên Ninh và 5 huyện Quảng Phúc, Tân Định, Phúc Điền, Vĩnh Xương, Hoa Châu”. 
 
Ngay từ những ngày đầu khai dân lập ấp, tên gọi các đơn vị hành chính của mỗi vùng đất đã được đặt mang theo nhiều kỳ vọng, ước mong. Khát vọng của bậc quân vương, của những tiền nhân đối với vùng đất mới rộng lớn chứa đựng nhiều ý nghĩa về sự vui vẻ, yên ổn, thịnh vượng, lâu dài, đẹp đẽ. Trải qua các đời vua, chúa triều Nguyễn, tên gọi có ít nhiều thay đổi như từ dinh Thái Khang đổi qua dinh Bình Hòa, trấn Bình Hòa nhưng nhìn chung vẫn giữ được tinh thần ban đầu của chúa Nguyễn Phúc Tần là mong muốn về một vùng đất bình an, khí hậu ôn hòa, người dân luôn hiền hòa. Để đến năm 1832, vua Minh Mạng đã đổi tên dinh Bình Hòa thành tỉnh Khánh Hòa. 
 
Gần 190 năm tên gọi Khánh Hòa xuất hiện, tồn tại và phát triển cùng biết bao đổi thay của lịch sử, xã hội. Để đến hôm nay, ngẫm lại càng thấy cái tầm và cái tâm của người xưa đối với mảnh đất, con người nơi đây. Khánh có thể hiểu là mừng, vui, còn hòa là hiền hòa, hòa nhã, thuận hòa, ôn hòa… Hai từ đều mang những ý nghĩa tốt đẹp dựa trên cơ sở đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng, đặc tính dân cư. Cái sự vui mừng của vùng đất này như nhà văn Quách Tấn trong “Xứ Trầm Hương” đã dẫn chứng: “Từ đời Gia Long đến cuối đời Tự Đức, ở Khánh Hòa không xảy ra việc gì quan trọng. Nhân dân được yên ổn làm ăn”. Còn sự hài hòa, ôn hòa bắt nguồn từ điều kiện tự nhiên. Nơi đây có hai mùa mưa - nắng nhưng mưa không quá nhiều, nắng không quá gắt. Bão bùng cũng ít, đất cát phì nhiêu, sông biển lắm cá nhiều tôm, núi rừng nhiều lâm sản quý hiếm. Thiên nhiên ưu đãi như thế nên đến cọp cũng hiền (hiền như cọp Khánh Hòa) chứ đừng nói chi tới người. Bởi vậy, tương truyền, chí sĩ Trần Cao Vân khi vào Khánh Hòa vận động cách mạng đã phải thốt lên: “Nhân sĩ Khánh Hòa hiền lành quá!”. Nhà văn Quách Tấn lại bàn rằng: “Cọp hiền là do thủy thổ. Cũng như người, cọp dĩ hòa vi quý. Bởi vậy, tuy xứ nhiều cọp, cổ nhân vẫn xem mặt đặt tên: Khánh Hòa”. 
 
Nhân kỷ niệm Khánh Hòa 350 năm, ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã có bài viết đúc kết ý nghĩa tổng quát của hai chữ Khánh Hòa với 5 nét đặc trưng. Cụ thể, Khánh Hòa là vùng đất rộng lớn, giàu có, mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no. Con người chịu khó, khắc phục gian nan để có cuộc sống ấm no, an lành. Người dân thông minh, hoạt bát, nói năng hùng biện có lý lẽ. Nhân dân khát khao cuộc sống yên lành, hạnh phúc, đối nhân xử thế có trước có sau, biết độ lượng, bao dung, vị tha, biết che chở cho kẻ nghèo hèn, thất thế, sa cơ lỡ bước. Tính tình cởi mở, chan hòa, sống có tâm đức, không thủ đoạn, thích hòa bình, hòa giải.  
 
Thật hiếm có một địa phương nào ở đất nước ta lại hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa như Khánh Hòa. Đất lành chim đậu, nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của rất nhiều người. Họ đã đến sinh sống, làm việc và góp phần vào sự phát triển của vùng đất này. 
 
NHÂN TÂM