11:01, 31/01/2020

Đầu xuân vui với trò chơi dân gian

Những ngày đầu năm mới, ở phố biển Nha Trang đã tổ chức nhiều trò chơi dân gian để khách du xuân tham gia trải nghiệm. Điều này đem đến nét đẹp văn hóa truyền thống và không khí vui tươi cho mọi người.

Những ngày đầu năm mới, ở phố biển Nha Trang đã tổ chức nhiều trò chơi dân gian để khách du xuân tham gia trải nghiệm. Điều này đem đến nét đẹp văn hóa truyền thống và không khí vui tươi cho mọi người.


Từ nhảy sạp đến hô bài chòi


Từ chiều mùng 1 Tết, tại khu vực công viên bờ biển đối diện khách sạn Novotel Nha Trang, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh tổ chức hoạt động trò chơi dân gian xuân Canh Tý 2020. Đến đây, mọi người được tham gia trò chơi nhảy sạp truyền thống của đồng bào miền núi phía bắc. Trong tiếng nhạc vui nhộn, quen thuộc, tiếng gõ nhịp đều đặn do người đập gõ hai thân tre vào nhau, mọi người cùng thử tài qua những bước nhảy. “Trò chơi này rất vui. Nó gắn kết mọi người lại với nhau. Người lớn hay trẻ em đều có thể chơi được. Tôi đã thử nhảy và thấy khá thú vị”, chị Christine Marie Rollins - du khách Mỹ chia sẻ.

 

Trò chơi nhảy sạp được nhiều người thích thú tham gia.

Trò chơi nhảy sạp được nhiều người thích thú tham gia.


Ở cách không gian nhảy sạp không xa, hoạt động hô bài chòi xuân do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức hàng đêm. Hô hát bài chòi là loại hình trò chơi dân gian đã được ra đời hơn 100 năm trước và phổ biến rộng rãi ở khu vực Trung Trung bộ. Hoạt động hô hát bài chòi xuân Canh Tý được 2 nhóm nghệ nhân bài chòi đến từ xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang) và thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh) thực hiện. Trong tiếng nhạc, tiếng đàn rộn rã, người dân và du khách có dịp thưởng thức những làn điệu dân ca bài chòi đặc sắc thông qua lời hát của các chú hiệu để xướng tên quân bài. Khách chơi ngồi trên 9 chòi canh được xếp vòng tròn. Chính giữa sân là ống đựng 27 quân bài để các chú hiệu phát cho người chơi. Những quân bài có tên gọi như: Tứ móc, tám dừng, lục chạng, cửu điều, tám miếng, ba bụng, bảy thưa, tứ tượng, bánh hai, bát bồng, tam quăng, chín cu, ông ầm, bảy liều, nhì nghèo, năm dụm, cửu chùa, nhứt trò… Mỗi lần chú hiệu rút quân bài nào thì sẽ hát một câu dân ca bài chòi có nội dung liên quan đến quân bài để hô lên cho người chơi biết. Cứ lần lượt như thế đến khi có người chơi hội đủ 3 quân bài được hô trùng với 3 quân bài được phát thì sẽ kết thúc một lượt chơi và trao thưởng cho người thắng cuộc. “Tết năm nào tôi cũng ra hội chơi bài chòi. Những làn điệu dân ca bài chòi sôi động, ngọt ngào cùng lời hát có nội dung dí dỏm đã làm tôi mê trò chơi này”, ông Nguyễn Sỹ - đường Cửu Long (TP. Nha Trang) cho biết.


Tìm về tuổi thơ


Không chỉ có những trò chơi dân gian mang nét văn hóa truyền thống đặc trưng của từng vùng miền, dịp Tết vừa qua, mọi người còn có dịp trải nghiệm những trò chơi từng gắn với ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ. Có thể kể đến những trò như: Nhảy dây, kéo co, nặn tò he, ô ăn quan, nhảy lò cò, banh đũa… được tổ chức ở khu vực đối diện khách sạn Novotel Nha Trang và khuôn viên Bảo tàng tỉnh. Cứ mỗi buổi chiều diễn ra hoạt động trò chơi dân gian, có khá đông người lớn và trẻ em lại cùng thi nhảy dây, được các nghệ nhân hướng dẫn cách làm tò he ngay giữa không gian công viên bờ biển. Ở Bảo tàng tỉnh, mỗi tối cũng có những gia đình đưa các cháu nhỏ đến để được chơi trò ô ăn quan, banh đũa hay nhảy lò cò. “Cháu rất thích những trò chơi này vì nó vui và dễ chơi. Cháu mong muốn được chơi những trò này thường xuyên hơn”, em Mai Thúy - học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Phương Sơn cho biết. Theo ông Lê Chí Hướng - Giám đốc Bảo tàng tỉnh, việc tạo không gian tổ chức trò chơi dân gian dành cho thiếu nhi là cách để giúp các em biết hơn về văn hóa dân tộc.


Không chỉ các em nhỏ, rất nhiều người lớn cũng thấy hào hứng với những trò chơi dân gian. Đến những địa chỉ diễn ra hoạt động trò chơi dân gian, mỗi người như được sống lại với ký ức, kỷ niệm về một thời tuổi thơ. Những trò chơi dân gian, câu hát đồng dao mộc mạc, đơn sơ nhưng đã thấm vào tâm hồn mỗi người. Để khi được gặp lại, mỗi người như thấy được cả một tuổi thơ hồn nhiên.


Giang Đình