10:01, 29/01/2020

Độc đáo trò chơi pháo đất

Hơn chục năm nay, khoảng sân của gia đình ông Bùi Tiến Lượng (thôn Phước Lợi, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) trở thành địa điểm chơi pháo đất của những người đồng hương huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng...

Hơn chục năm nay, khoảng sân của gia đình ông Bùi Tiến Lượng (thôn Phước Lợi, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) trở thành địa điểm chơi pháo đất của những người đồng hương huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng. Đây là trò chơi dân gian độc đáo đặc trưng trong văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ.

 

Màn nổ pháo của một pháo thủ.
Màn nổ pháo của một pháo thủ.
 
Ngày đầu năm mới, khi người người nô nức du xuân thì những đồng hương huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng lại dành nhiều thời gian tập trung tại nhà ông Bùi Tiến Lượng để “tìm về” không khí rộn ràng hội xuân truyền thống của quê hương bằng trò chơi pháo đất. Tiếng cười nói, tiếng nổ ùm oàng của pháo đất, tiếng vỗ tay của khán giả… khiến cả xóm thêm náo nhiệt. 
 
 
Ông Lượng chia sẻ: “Chơi pháo đất là trò chơi dân gian đặc trưng của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, được lưu truyền từ bao đời nay, thường được tổ chức vào những dịp nông nhàn hay không thể thiếu ở những lễ hội trong năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán”. Chính vì thế, những ngày đầu xuân này, hơn 20 “pháo thủ” người Vĩnh Bảo đều có mặt đông đủ tại nhà ông Lượng để chơi trò chơi truyền thống này, như thể phần nào được sống trong không khí hội xuân của quê hương mình!
 
Trò chơi cũng lắm công phu. Khoảng 1 giờ trước khi trận đấu chính thức bắt đầu, các “pháo thủ” tập trung nhào đất, nặn pháo và nổ thử nhiều lần. Mỗi pháo thủ được “biên chế” 6kg đất sét để nặn 1 quả pháo tầm trung (có chu vi khoảng 1,6m). Đất sét của các “pháo thủ” được gửi từ quê vào. Đây là loại đất khá đặc biệt, người dân đồng bằng Bắc Bộ gọi là đất chiều, được lấy ở độ sâu khoảng 2m dưới ruộng. Ông Trương Bá Huyên (phường Phước Long, TP. Nha Trang), một trong những “pháo thủ” lớn tuổi cho biết, tuy quy mô không lớn như ở quê, nhưng các trận đấu pháo đất do nhóm tổ chức rất bài bản, đảm bảo đầy đủ các bước trong khâu nặn pháo, các thể thức thi đấu (gồm 3 hình thức nổ pháo trong một trận đấu: gieo pháo, đập pháo, riềng pháo) cũng như quy cách chấm điểm theo truyền thống. 
 
Ông Huyên tỉ mẫn nặn phần đượn pháo.
Ông Huyên tỉ mẫn nặn phần đượn pháo.
 
Dân gian truyền rằng, pháo đất bắt đầu xuất hiện vào thời nhà Trần, gắn với trận chiến đấu đánh đuổi quân Nguyên - Mông trên sông Bạch Đằng. Trong trận chiến, khi voi của Trần Hưng Đạo đuổi giặc, không may bị sa chân vũng sình lầy. Voi càng vùng vẫy tìm cách thoát lên bao nhiêu thì càng bị lún sâu bấy nhiêu. Để giải cứu chú voi chiến, binh lính và dân làng đứng vòng quanh, dùng đất ném xuống vũng lầy, tạo nên âm thanh bồm bộp vang xa. Nghe tiếng “nổ” lạ phát ra từ đám đông quây thành vòng tròn, giặc nghĩ quân nhà Trần dùng pháo lớn để đánh trả nên đã hốt hoảng bỏ chạy tán loạn. Cũng từ đấy, mỗi lúc nông nhàn hay sau những giờ tập luyện, người dân, binh lính lại lấy đất ra vui chơi, rồi dần dần sáng tạo, nặn ra quả pháo hình chiếc nong để có được tiếng nổ lớn nhất. Và sau bao đời, pháo đất đã trở thành trò chơi dân gian vô cùng đặc sắc của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, không thể thiếu ở các lễ hội trong năm. 
 
Ông Lượng chia sẻ: “Ban đầu, từ nỗi nhớ quê, nhớ bầu không khí lễ hội truyền thống, tôi với ông Huyên mang đất sét vào chơi pháo đất, qua đó cho con cháu hiểu được nguồn gốc trò chơi dân gian độc đáo của quê hương. Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều người đồng hương ở Nha Trang cũng đến tham gia. Qua những buổi chơi pháo đất, chúng tôi lại có thêm dịp để gặp gỡ giao lưu, chia sẻ động viên nhau trong cuộc sống. Chúng tôi đang có ý định đề nghị cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tạo điều kiện tổ chức biểu diễn đường phố trò chơi này ở Nha Trang để người dân và du khách hiểu thêm về một nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống của đồng bằng Bắc Bộ nước ta”. 
 
THẾ ANH