01:07, 05/07/2019

Tái bản "Thằng Cười" của đại văn hào Victor Hugo

Tác phẩm nổi tiếng của đại văn hào Pháp Victor Hugo được Nhã Nam ấn hành vào tháng 7 này bổ sung thêm vào danh sách những tác phẩm của Victor Hugo được dịch ra tiếng Việt.
 

Tác phẩm nổi tiếng của đại văn hào Pháp Victor Hugo được Nhã Nam ấn hành vào tháng 7 này bổ sung thêm vào danh sách những tác phẩm của Victor Hugo được dịch ra tiếng Việt.
 
Đại văn hào Victor Hugo chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử văn học Pháp. Sự nghiệp đồ sộ của ông đã mang đến cho kho tàng văn học Pháp nói riêng và nhân loại nói chung những “đại tác phẩm” như “Nhà thờ Đức Bà Paris”, “Những người khốn khổ”, những áng văn có tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới Pháp và cho đến nay vẫn chiếm được tình cảm của bao thế hệ độc giả khắp nơi trên thế giới. Nếu các tác phẩm “Nhà thờ Đức Bà Paris” và “Những người khốn khổ” đưa độc giả đến với nước Pháp, với thành phố Paris tráng lệ, thì “Thằng Cười” lại mang đến một cái nhìn rõ nét hơn về xã hội Anh, về giai cấp quý tộc Anh.

 

 
Victor Hugo viết xong “Thằng Cười” năm 1868 dưới thời Napoleon III, khi nhà văn đang sống cuộc sống bị lưu đày tại hòn đảo Guernsey thuộc lãnh thổ Anh trên biển Manche. Ông rời hòn đảo trở về lại nước Pháp hai năm sau đó, khi đế chế của Napoleon sụp đổ. Được khởi thảo và hoàn thành trong vòng hai năm (1866-1868), “Thằng Cười” đã vượt qua dự định ban đầu của người viết: cuốn sách không chỉ dừng lại ở một tác phẩm chính trị mà còn là một tác phẩm triết học, lịch sử và thi ca.
 
Émile Zola từng ngợi ca: “Thằng Cười” vượt lên trên tất cả những gì Victor Hugo đã viết từ mười năm qua (từ 1859). Ở đó ngự trị một khí thế siêu phàm”, “một tác phẩm thấm thía và kỳ vĩ…”.
 
Tuy nhiên, sự thật là, khi ra đời, “Thằng Cười” đã không được độc giả hào hứng đón nhận. Bản thân Victor Hugo cũng thừa nhận thất bại này, mà một phần nguyên nhân được ông quy cho tham vọng quá lớn của mình: “Tôi đã muốn đưa tác phẩm của mình trở thành một thiên sử thi. Tôi đã muốn buộc độc giả phải suy nghĩ về từng câu từng dòng tôi viết ra. Vì thế mà họ nổi giận với tôi.” Và phải chờ đến thế kỷ 20, giá trị tác phẩm của đại thi hào mới được nhìn nhận lại, “Thằng Cười” khi ấy mới trở về đúng ngôi vị đáng kính của mình.
 
 
Theo nhandan.com.vn