08:07, 02/07/2019

Nói không với vàng mã

Qua một thời gian tích cực tuyên truyền, vận động, đến thời điểm này, tập tục đốt vàng mã ở di tích Tháp Bà Ponagar đã giảm thiểu. Hi hữu lắm mới có một vài trường hợp đốt một ít vàng mã ở khu vực quy định.

Qua một thời gian tích cực tuyên truyền, vận động, đến thời điểm này, tập tục đốt vàng mã ở di tích Tháp Bà Ponagar đã giảm thiểu. Hi hữu lắm mới có một vài trường hợp đốt một ít vàng mã ở khu vực quy định.


Ngày 30-6 (28-5 âm lịch, đúng ngày vía Bà), tại khu di tích Tháp Bà Ponaga có khá đông người dân địa phương và khách hành hương về lễ Mẫu. Tại khu vực sửa soạn đồ lễ, chúng tôi nhận thấy trên mâm lễ vật chủ yếu là trái cây, không thấy có vàng mã, hàng mã. Mỗi đoàn khách hoặc mỗi người sau khi vào dâng cúng hoa trái ở khu vực tháp chính thì lần lượt đi thắp nhang ở những chiếc lư được bố trí xung quanh khu vực các tháp. Bên trong mỗi tháp chỉ có một cây nhang, khách hành hương hay khách tham quan tuyệt đối không thắp nhang ở trong tháp. “Quy định không đốt vàng mã ở đây là rất đúng, vì nó đảm bảo vệ sinh môi trường, tiết kiệm cho người dân nên tôi rất ủng hộ. Mình về với Mẫu cốt ở cái tâm, ở tấm lòng thành chứ không phải câu nệ ở vật chất”, bà Cái Thị Nam (tổ 15 Ngọc Sơn, phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) cho biết.

 

Người dân và khách hành hương đến hành lễ ở di tích Tháp Bà Ponagar.

Người dân và khách hành hương đến hành lễ ở di tích Tháp Bà Ponagar.


Không chỉ người dân địa phương, nhiều khách hành hương ở những tỉnh, thành khác về cũng nắm rõ và ủng hộ chủ trương này. “Trước đây, mỗi lần về lễ Mẫu tôi cũng mang theo một ít tiền vàng mã để cúng và đốt sau đó. Sau khi được nhân viên ở đây cho biết quy định không cúng, đốt vàng mã thì tôi chấp hành ngay. Quy định này tôi thấy cũng hợp tình hợp lý”, bà Bùi Thị Hạnh (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) nói.


Theo ông Nguyễn Khắc Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, nhằm tạo sự chuyển biến và hình thành thói quen cho người dân không đốt vàng mã, tháng 6-2018, sở đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, vận động không đốt vàng mã, hàng mã tại khu di tích Tháp Bà Ponagar. Việc làm này góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, giảm nguy cơ gây cháy, nổ. Việc tuyên truyền, vận động được thực hiện thường xuyên và có báo cáo, đánh giá theo đúng thời gian quy định. Phấn đấu từ giữa năm 2019 trở đi, không còn tình trạng đốt vàng mã, hàng mã tại khu di tích.


Thực hiện kế hoạch trên, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đã triển khai phổ biến đến mỗi nhân viên ở các bộ phận khác nhau. Những hình thức tuyên truyền như: in, phát tờ rơi, tờ gấp; tuyên truyền trực tiếp và trên hệ thống loa phát thanh trong khuôn viên di tích… Đến nay, trung tâm đã phát 1.000 tờ rơi có nội dung ngắn gọn. Đơn vị còn bố trí người thường xuyên túc trực để nhắc nhở người dân, du khách không thắp nhang trong các tháp, hạn chế đốt vàng mã tại khu di tích. “Xác định đối tượng thường xuyên sử dụng vàng mã, hàng mã là các đoàn tín ngưỡng, khách hành hương nên trung tâm đã vận dụng các hình thức tuyên truyền phù hợp. Trước khi diễn ra các lễ hội hàng năm, ngày Tết cổ truyền, trung tâm đã phối hợp với các vị hào lão, chính quyền địa phương thực hiện việc vận động người dân khi về hành lễ không đốt vàng mã”, ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cho biết.  


Đến nay, việc đốt vàng mã, hàng mã tại khu di tích Tháp Bà Ponagar đã được hạn chế tối đa. Trong những ngày diễn ra lễ hội Tháp Bà Ponagar hay Tết Nguyên đán, ngày vía, ngày rằm, các đoàn khách hành hương và người dân đã thực hiện tốt nội dung vận động, chỉ còn một số ít đoàn ở ngoài tỉnh vẫn mang số lượng nhỏ vàng mã đến cúng, nhưng việc đốt cũng được thực hiện đúng nơi quy định.


Từ những kết quả đã đạt được ở di tích Tháp Bà Ponagar, nên chăng Sở Văn hóa và Thể thao cần nghiên cứu đến việc mở rộng đến các khu di tích, cơ sở thờ tự khác trong các địa phương trên toàn tỉnh.


Giang Đình