Nếu nhớ lại một thời chiến tranh biên giới Tây Nam và nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia thoát nạn diệt chủng Pol Pot mà chúng ta vừa kỷ niệm 40 năm...
Nếu nhớ lại một thời chiến tranh biên giới Tây Nam và nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia thoát nạn diệt chủng Pol Pot mà chúng ta vừa kỷ niệm 40 năm (1979- 2019) thì phải cất tiếng hát của bài ca “Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện” của nhạc sĩ Hoàng Tạo. Chỉ nghe tên bài ca cũng hiểu nội dung và tính thời đại của nó. Đây chính là điều kỳ diệu của âm nhạc mà người nhạc sĩ rất tài như Hoàng Tạo đã làm được.
Nói về các tác phẩm âm nhạc về quân tình nguyện trên đất nước chùa tháp và cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam đầy gian khổ, đau thương, chúng ta không có nhiều để kể: “Anh lính tình nguyện và người lính apsara” (Minh Quang), “Đồng đội” (Hoàng Hiệp), “Cánh hoa lưu ly” (Diệp Minh Tuyền), “Ngày mai anh lên đường” (Vũ Hoàng), “Nhánh lan rừng” (Thế Hiển)… Đây thực sự rất ít so với mảng đề tài chiến tranh chống Mỹ trước đó và tiếp tới là chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc. Tuy ít nhưng đầy ấn tượng, không thể xóa nhòa. Trong số này, điển hình chính là ca khúc “Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện”. Người nhạc sĩ quân đội đầy tài hoa Hoàng Tạo đã lấy vật dụng thân quen của người lính để làm chủ đề cho ca khúc của mình: chiếc ba lô! Trước đó, thời chống Mỹ, nhạc sĩ Phạm Tuyên lấy cây gậy chống của người lính viết bài “Cây gậy Trường Sơn”, nhạc sĩ Nguyên Nhung lấy hình ảnh cái võng để viết “Bài ca trên cánh võng”, Huy Du lấy bếp lửa để viết “Nổi lửa lên em”… Nhưng có lẽ khác với thời chiến tranh trước đó, người lính tình nguyện Việt Nam thời này (năm 1979) sang làm nghĩa vụ quốc tế thực sự cao cả, bởi chúng ta trải qua 30 năm chiến tranh chống ngoại xâm đã thấm đủ mất mát hy sinh, tưởng được an bình nơi quê hương giải phóng thì nay lại phải xốc ba lô lên đường cứu một dân tộc láng giềng đang gặp nạn.
“Khi anh buộc gọn lại chiếc ba lô. Là khi con chim đậu cành gọi nắng xuân sang. Tiếng hót những gì mà ríu rít vui theo nhịp bước quân đi lấp lánh. Ba lô nhẹ nhàng khẩu súng trong tay. Là bài ca tình nguyện vì Tổ quốc yêu thương” - bài hát mở đầu thật nhẹ nhàng như sự hồn nhiên vô tư của người lính trẻ, họ ra đi trong mùa xuân đất nước và sẽ cố gắng bảo vệ đất nước mùa xuân. Chỉ có người lính Việt Nam mới có tâm thế và trái tim hồn hậu để nhẹ nhàng bước vào cuộc chiến mới này. Lời ca đầy truyền cảm mà thắm thiết dạt dào cảm xúc. Tuy thế, Hoàng Tạo lại để những nốt nhạc rất cao làm nhói tim người nghe. Người thể hiện ca khúc này chính là ca sĩ - Nghệ sĩ Ưu tú Ma Bích Việt - giọng nữ cao nổi tiếng dân tộc Tày. Bích Việt đã đẩy từng nốt nhạc và lời ca lấp lánh chói rực như các đốm nắng trên vòm lá xanh mùa hạ. Và chỉ có Bích Việt mới thể hiện trọn vẹn bài ca đầy lãng mạn và bi tráng này, trở thành ca khúc kinh điển đại diện cho thời “tình nguyện”: “Bao la rộng dài Tổ quốc ta là trái tim nồng nàn người chiến sĩ. Gắn bó nghĩa tình cùng chiếc ba lô bao kỷ niệm ước mơ sáng. Ba lô nhẹ nhàng khẩu súng trong tay. Đời vui ta giản dị ngời sáng chiến công”…
Nhạc sĩ Hoàng Tạo nổi tiếng với những ca khúc: Đưa anh đi hái măng rừng, Trở lại về thăm trung đoàn, Tuổi xanh Mộc Châu… Là nhạc sĩ của Quân chủng Phòng không - Không quân, Hoàng Tạo có nhiều bài hát: Tên lửa về bên sông Đà, Mùa bay đôi, Bầu trời yêu thương … rất trữ tình đằm thắm, lưu mãi trong tâm hồn những người lính một thời. Qua nét nhạc hồn nhiên lãng mạn cách mạng, không ngờ rằng Hoàng Tạo là người con quê hương Bình Sơn (Quảng Ngãi) tập kết ra Bắc năm 1954, có năng khiếu nhạc, được đi đào tạo thành nhạc sĩ quân đội nổi tiếng. Với Nha Trang, Hoàng Tạo thường xuyên đi thực tế vì nơi đây có những cánh én bạc từ trường đào tạo không quân, nhờ đó có những bài hát rất hay: Mùa bay đôi, Bầu trời yêu thương hay Đàn chim mùa thu Nha Trang.
DƯƠNG TRANG HƯƠNG