Đến Bảo tàng Hải dương học - Viện Hải dương học (TP. Nha Trang), ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hàng ngàn loài sinh vật biển, khách tham quan còn được tìm hiểu về các mẫu sinh vật, chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hiện nay, tổ hợp khu trưng bày này vừa đưa thêm bể san hô cứng và bể trụ nuôi cá đàn vào hoạt động.
Đến Bảo tàng Hải dương học - Viện Hải dương học (TP. Nha Trang), ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hàng ngàn loài sinh vật biển, khách tham quan còn được tìm hiểu về các mẫu sinh vật, chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hiện nay, tổ hợp khu trưng bày này vừa đưa thêm bể san hô cứng và bể trụ nuôi cá đàn vào hoạt động.
Tạo điểm nhấn
Khu trưng bày mẫu vật Trường Sa, Hoàng Sa của Viện Hải dương học được đưa vào sử dụng từ năm 2016. Nơi đây lưu giữ hàng trăm mẫu sinh vật, địa chất, các loài sinh vật sống tiêu biểu của vùng biển thuộc hai quần đảo. Đó là những mẫu vật được thu thập qua nhiều chuyến khảo sát, nghiên cứu thực tế của các nhà khoa học Viện Hải dương học tại vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Thời gian qua, khu vực trưng bày này thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Để tạo điểm nhấn, sự đa dạng cho khu vực trưng bày, cuối năm 2018, Viện Hải dương học tiếp tục đưa vào vận hành bể nuôi san hô cứng và bể trụ nuôi cá đàn. Điểm đặc biệt của bể san hô cứng là san hô được nuôi dưỡng bằng ánh sáng nhân tạo, cùng với hệ thống điều khiển nhiệt độ ổn định để san hô phát triển. Ngoài ra, nước được xử lý bằng các loại rong, tảo chứ không xử lý bằng hệ thống lọc thông thường. Ông Hoàng Xuân Bền - Phó Giám đốc Bảo tàng Hải dương học cho biết: “Tiêu chí của bảo tàng là lựa chọn những loại san hô nuôi trong bể đảm bảo tính thẩm mỹ, đẹp, độc đáo, chịu được điều kiện nuôi nhân tạo. Trước đây, viện cũng đã nuôi khá nhiều loại san hô nhưng chủ yếu dùng ánh sáng tự nhiên”.
Hiện nay, các loại san hô trong bể khá đa dạng và phát triển tốt với nhiều màu sắc trông rất đẹp mắt khiến du khách thích thú. Bà Nguyễn Phương Oanh - du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Lần nào đến Nha Trang du lịch, tôi cũng ghé tham quan Bảo tàng Hải dương học. Tôi rất thích nhìn ngắm các mẫu vật, nhất là mẫu vật về Trường Sa, Hoàng Sa. Lần này, trong đường hầm còn có thêm bể cá và bể san hô khá lớn trông rất phong phú và đẹp mắt”.
Cùng với bể san hô, bể trụ nuôi cá đàn được đặt ngay trung tâm là bể nuôi cá lớn nhất tại Viện Hải dương học hiện nay. Bể này được thiết kế để nuôi cá đàn to. Do đó, loại cá nuôi cũng được lựa chọn khá cẩn thận. Hiện nay, tại bể nuôi 3 loài: cá chim vây vàng, khế vằn, tai tượng. Những con cá này đã được cán bộ của viện thuần dưỡng từ nhỏ nên sớm thích nghi với điều kiện nuôi ở bể.
Ông Bền cho biết, khu trưng bày mẫu vật Trường Sa, Hoàng Sa có chiều rộng 6,5m, dài hơn 120m. Hiện nay, khu trưng bày mới hoàn thành được 1/2, phần còn lại dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm. Nằm trong tổ hợp khu trưng bày mẫu vật Trường Sa, Hoàng Sa, viện còn xây dựng căn nhà 4 tầng để trưng bày các hiện vật mới sưu tầm được. Mỗi tầng sẽ được bố trí trưng bày theo từng chủ đề riêng, khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Bổ sung sản phẩm cho bảo tàng
Nhờ sự đa dạng về mẫu vật, số lượng du khách đến tham quan bảo tàng ngày càng tăng. Năm 2016, bảo tàng đón hơn 360.000 lượt khách, năm 2018 đã tăng lên 435.000 lượt, trong đó có hơn 87.000 lượt khách quốc tế. |
Theo lãnh đạo Viện Hải dương học, hiện nay, bảo tàng của viện có hơn 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loài sinh vật biển và hàng trăm loài đang được nuôi trong môi trường nhân tạo. Bảo tàng là địa chỉ giúp du khách có cái nhìn tổng quát về đại dương, sự đa dạng tài nguyên thiên nhiên ở nước ta. Qua đó, góp phần giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ các loài sinh vật biển đang có nguy cơ diệt chủng và sự toàn vẹn chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Ngoài khu trưng bày mẫu vật Trường Sa, Hoàng Sa, bảo tàng viện còn có khu hệ sinh thái biển sâu; hệ sinh thái rừng ngập mặn; sinh vật kỳ thú; bể rạn nhân tạo.
Tại khu vực hệ sinh thái rừng ngập mặn, năm 2018, viện thả nuôi 2 con cá sấu hoa cà. Đây là loài cá sấu sống ở vùng nước mặn và cửa biển, đã bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Việc nuôi cá sấu hoa cà không chỉ phục vụ nghiên cứu khoa học, mà còn giúp bảo tồn nguồn gen của loài này, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Theo ông Bền, hiện nay, 2 con cá sấu hoa cà phát triển tốt, tăng gấp đôi trọng lượng và chiều dài. Năm 2018, viện cũng đã đưa vào dịch vụ khám phá rạn san hô bằng thuyền thúng đáy kính phục vụ du khách miễn phí tại khu công viên Trường Sa.
CÁT HÀ