Ngày 27-11, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức hội thảo với chủ đề Bảo tồn và phát huy giá trị Thành cổ Diên Khánh. Có khá nhiều ý kiến đóng góp cho việc trùng tu, phát huy giá trị của di tích cấp quốc gia này.
Ngày 27-11, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) tổ chức hội thảo với chủ đề Bảo tồn và phát huy giá trị Thành cổ Diên Khánh. Có khá nhiều ý kiến đóng góp cho việc trùng tu, phát huy giá trị của di tích cấp quốc gia này.
Với mục tiêu tạo nên sự đồng thuận trong nhận thức về các giá trị tiêu biểu của Thành cổ Diên Khánh, các đại biểu tham gia hội thảo đã đưa ra nhiều ý kiến, đề xuất, giải pháp mang tính khả thi cao. Trong đó, vấn đề phát huy giá trị di sản Thành cổ Diên Khánh thực sự có ích cho hiện tại và mai sau nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu. Tinh thần chung là việc bảo tồn Thành cổ Diên Khánh phải trở thành một bộ phận hữu cơ của đời sống đương đại, đồng thời phục vụ thiết thực yêu cầu phát triển bền vững của địa phương. Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội TP. Đà Nẵng cho rằng: “Diên Khánh là địa phương đang gìn giữ 6 di tích cấp quốc gia, cùng với hàng chục di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Trong đó, di tích Thành cổ Diên Khánh là công trình tiêu biểu có giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch cao. Việc bảo tồn, quản lý di tích Thành cổ Diên Khánh nên theo hướng khai thác các giá trị đặc biệt của di tích để phục vụ phát triển du lịch một cách hiệu quả, bền vững”.
Từ góc nhìn của người từng nhiều năm gắn bó với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, phương thức bảo tồn, phát huy giá trị Thành cổ Diên Khánh tốt nhất chính là hướng phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng. Bởi nó vừa tận dụng được tài nguyên thiên nhiên, văn hóa địa phương, vừa bảo vệ môi trường di sản và hài hòa lợi ích của người dân trong vùng di sản. Việc làm sống lại di tích Thành cổ Diên Khánh trở thành một sản phẩm, một điểm đến của du lịch sinh thái cộng đồng đòi hỏi cần có sự hợp tác của nhiều bên gồm: cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư. Vấn đề then chốt khi bắt tay vào việc phát huy giá trị của di tích này chính là phải tạo được không gian văn hóa với sự kết hợp của 3 yếu tố cảnh quan thiên nhiên - các di tích lịch sử, văn hóa - các di sản văn hóa phi vật thể.
Thành cổ Diên Khánh là một trong những thành trì được xây dựng dưới thời chúa Nguyễn Phúc Ánh và tồn tại đến nay đã 225 năm (1793 - 2018). Nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng thời nhà Nguyễn, thời Tây Sơn và trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc. Thành Diên Khánh từng là trung tâm chính trị, hành chính của dinh Bình Khang (sau này đổi tên trấn Bình Hòa) trên 150 năm; đây cũng là di sản văn hóa có giá trị nhiều mặt về nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, lịch sử và quân sự. |
Ngày 18-2-2016, UBND tỉnh có Quyết định số 438 phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch phân khu trung tâm thị trấn Diên Khánh. Theo đó, cho phép chuyển đổi chức năng các quỹ đất công cộng thành các quỹ đất dịch vụ, nhà ở. Vấn đề đặt ra là việc bảo tồn gắn với phát huy di sản một cách bền vững như thế nào; các cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư ra sao? Trả lời cho những vấn đề trên, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao cho rằng, việc bảo tồn, phát huy giá trị Thành cổ Diên Khánh cần phải có cái nhìn tổng thể, mang tính lâu dài. Trong đó, chúng ta phải hướng tới việc xây dựng thị trấn Diên Khánh là một trung tâm đô thị và du lịch nổi tiếng và Thành cổ Diên Khánh là biểu tượng văn hóa của vùng đất giàu truyền thống, là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật, là điểm đến có nhiều dấu ấn đặc sắc trên bản đồ du lịch.
Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Ghi - Bí thư Huyện ủy Diên Khánh cho biết, việc phát huy giá trị Thành cổ Diên Khánh phải có lộ trình và các bước đi phù hợp. Trước hết, ngành Văn hóa và huyện Diên Khánh cần phối hợp với nhau trong việc sưu tầm, biên soạn, phát hành các tài liệu mang tính chuyên sâu về Thành cổ Diên Khánh để phục vụ cho việc nghiên cứu, tìm hiểu, giới thiệu, quảng bá về di tích. Nghiên cứu khôi phục lại các giá trị văn hóa phi vật thể liên quan đến các hoạt động trong thành Diên Khánh xưa. Việc trùng tu, tôn tạo di tích cần tiếp tục được thực hiện theo kế hoạch đã đề ra để vừa làm đẹp cảnh quan, định hình nên các địa điểm giới thiệu văn hóa, lịch sử. Từ đó mở ra các dịch vụ phục vụ khách du lịch theo loại hình du lịch sinh thái đồng quê.
Giang Đình