10:11, 27/11/2018

Gắn bảo tồn di sản văn hóa với phục vụ du lịch

Những năm gần đây, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm làm tốt hơn trước. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị di sản văn hóa để phục vụ du lịch vẫn chưa được như mong muốn.

Những năm gần đây, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm làm tốt hơn trước. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị DSVH để phục vụ du lịch vẫn chưa được như mong muốn.


Bảo tồn ngày càng tốt


Những năm qua, Khánh Hòa rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH, trong đó có việc đầu tư kinh phí để trùng tu tôn tạo các di tích, bảo tồn các DSVH phi vật thể. Đến nay, toàn tỉnh có 16 di tích, danh thắng cấp quốc gia, 3 DSVH phi vật thể cấp quốc gia, 1 DSVH phi vật thể đại diện nhân loại (nghệ thuật bài chòi), 174 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 56 di tích chưa được xếp hạng nhưng nằm trong danh mục kiểm kê DSVH.

 

Tháp Bà Ponagar - một trong những di sản văn hóa  đã phát huy được giá trị phục vụ du lịch.

Tháp Bà Ponagar - một trong những di sản văn hóa đã phát huy được giá trị phục vụ du lịch.


Với vai trò là đơn vị quản lý chuyên môn, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng hồ sơ xếp hạng các di tích - danh thắng, tổ chức các lễ hội lớn gắn với các di tích (lễ hội Tháp Bà Ponagar, lễ hội Am Chúa), xây dựng các bia di tích. Trung tâm còn thường xuyên tư vấn về chuyên môn và hỗ trợ kinh phí để tôn tạo các di tích có nguy cơ bị xuống cấp, hỗ trợ kinh phí tổ chức các lễ hội truyền thống; phối hợp với các địa phương, ngành Giáo dục  tổ chức các hội thi tìm hiểu di sản văn hóa; viết trên tạp chí giới thiệu DSVH trên địa bàn tỉnh.


Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, nhiều nhà nghiên cứu nhận định,  Khánh Hòa đã làm tốt công tác bảo tồn DSVH. Nhờ đó, chính quyền địa phương các cấp và nhân dân ngày càng có ý thức hơn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH. Nhiều địa phương đã chủ động vận động người dân đóng góp kinh phí để trùng tu tôn tạo các di tích trên địa bàn, khôi phục các lễ hội truyền thống.

Cần đẩy mạnh phát huy giá trị di sản văn hóa


Những năm gần đây, việc phát huy giá trị DSVH để phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng hơn trước. Lượng khách tham quan các di tích, danh thắng như: Tháp Bà Ponagar, Hòn Chồng, chùa Long Sơn… ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, ngành Văn hóa đã rất chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH phục vụ du lịch. Đơn cử, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh thường xuyên tổ chức các chương trình nghệ thuật miễn phí tại mặt tiền Trung tâm Hội nghị tỉnh (46 Trần Phú) để phục vụ du khách. Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức Hội Bài chòi dân gian ở công viên bờ biển để phục vụ người dân và du khách. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch cũng đã bắt đầu khai thác văn hóa nghệ thuật truyền thống để phục vụ du lịch. Tiêu biểu là chương trình biểu diễn của Nhà hát Nghệ thuật dân gian Á Châu, Nhà hát Múa rối nước Nha Trang.


Tuy đã có những bước tiến mới, nhưng theo các chuyên gia bảo tồn văn hóa, việc phát huy giá trị DSVH để phục vụ du lịch ở Khánh Hòa vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Là một trung tâm du lịch lớn của cả nước, đến nay Khánh Hòa mới chỉ có một số ít di tích, thắng cảnh phát huy giá trị trong việc phục vụ du lịch, còn lại vẫn đang ở dạng khai thác đơn lẻ, tiềm năng. Thành cổ Diên Khánh, Am Chúa, Văn miếu Diên Khánh, lăng Bà Vú (Ninh Hòa), đền thờ Trần Quý Cáp, khu lưu niệm tàu C235… tuy có ý nghĩa về mặt lịch sử văn hóa, giáo dục nhưng vẫn chỉ được giới nghiên cứu biết đến, chưa được khai thác nhiều về du lịch. Bảo tàng Yersin nằm ở trung tâm TP. Nha Trang có nhiều hiện vật giá trị nhưng vẫn còn ít du khách biết đến. Bảo tàng Khánh Hòa hoạt động cầm chừng vì “nhấp nhổm” với dự án cải tạo, rồi xây mới cũng đã hạn chế việc phát huy giá trị DSVH để phục vụ du lịch.


Liên quan vấn đề này, ông Lê Văn Hoa cho biết, những năm qua,  ngành Văn hóa và Du lịch đã tham mưu cho tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với lịch sử văn hóa địa phương.


Tuy nhiên, việc khai thác các DSVH không phải muốn là làm được ngay, bởi các nhà đầu tư phải tìm thấy lợi ích họ mới tham gia. Hiện nay, một số nhà đầu tư cũng đã quan tâm đến việc tham gia vào các dự án bảo tồn DSVH kết hợp với phát triển du lịch. Điển hình là khách sạn Yasaka-Saigon-Nhatrang tham gia bảo tồn, tôn tạo khu nhà xưa ông Hai Thái, Công ty THHH Hải Đăng đầu tư tôn tạo Mật khu Đá Hang (xã Phước Đồng). Một số doanh nghiệp lữ hành cũng đã tổ chức các tour du lịch về nguồn. Thời gian tới, với việc Bảo tàng Khánh Hòa được đầu tư xây mới, chắc chắn việc khai thác các giá trị DSVH để phục vụ du lịch sẽ được làm tốt hơn. Sở Văn hóa và Thể thao cũng tổ chức Hội thảo khoa học về Thành cổ Diên Khánh, từ đó có những đề xuất cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích này.


Trong hội thảo khoa học về “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ du lịch” được tổ chức ở Nha Trang cách đây hơn 2 năm, các nhà nghiên cứu đã đề nghị Khánh Hòa cần nghiên cứu, tổ chức thêm các tour du lịch văn hóa; sản xuất các mặt hàng lưu niệm mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu lưu ý, trong việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH, bên cạnh DSVH vật thể (di tích, danh lam thắng cảnh) cần quan tâm hơn nữa đến việc kết hợp giữa bảo tồn và khai thác giá trị DSVH phi vật thể (lễ hội, nghệ thuật truyền thống…) để phục vụ du lịch.


“Du lịch văn hóa phải được nhìn nhận như là một trong những phương thức quảng bá và phát huy giá trị văn hóa sâu rộng, giúp DSVH khẳng định được vị trí và sức sống lâu bền của mình. Khánh Hòa là địa phương phát triển mạnh về du lịch nên cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc phát huy giá trị DSVH để phục vụ du lịch”, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam bày tỏ.


TRẦN LÊ NA
(Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa)