11:10, 17/10/2018

Rối Việt Nam và Lào giành giải Vàng tại Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ V

Vở rối nước "Trê - cóc" của Nhà hát Múa rối Việt Nam và tiết mục "Âm thanh của nhà tôi" của Đoàn múa rối Quốc gia Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã cùng giành Huy chương vàng tại Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ V - Hà Nội 2018.
 

Vở rối nước “Trê - cóc” của Nhà hát Múa rối Việt Nam và tiết mục “Âm thanh của nhà tôi” của Đoàn múa rối Quốc gia Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã cùng giành Huy chương vàng tại Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ V - Hà Nội 2018.
 
“Bữa tiệc” nghệ thuật độc đáo
 
Sau một tuần diễn ra tại Hà Nội, Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ V khép lại vào tối 15-10 với niềm hân hoan của nhiều đoàn nghệ thuật tham dự.
 
Liên hoan lần này thu hút sự tham gia của 7 đoàn nghệ thuật múa rối tiêu biểu đến từ các quốc gia, châu lục: Đoàn Nghệ sĩ múa rối Vương quốc Campuchia, Đoàn múa rối quốc gia Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Đoàn múa rối Lunaria - Cộng hòa Philippines, Phường múa rối Tookkatoon - Vương quốc Thái Lan, Đoàn múa rối Une Tribu Collectif - Wallonie Bruxelles (Vương quốc Bỉ), Nhà hát múa rối Tarabates - Cộng hòa Pháp, Đoàn múa rối O Que De Que - Cộng hòa Liên bang Brazil.

 

Vở rối nước  "Trê - cóc " của Nhà hát múa rối Việt Nam giành Huy chương vàng tại Liên hoan.
Vở rối nước "Trê - cóc" của Nhà hát múa rối Việt Nam giành Huy chương vàng tại Liên hoan.
 
Về phía nước chủ nhà Việt Nam, có 4 đơn vị nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp tham gia, đó là: Nhà hát múa rối Việt Nam, Nhà hát múa rối Thăng Long - Hà Nội, Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng, Đoàn nghệ thuật múa rối TP Hồ Chí Minh.
 
Diễn ra tại nhiều địa điểm nhà hát khác nhau trên địa bàn Hà Nội, hàng chục tiết mục múa rối đã mang đến những nét văn hóa riêng của từng quốc gia. Mỗi tiết mục, vở diễn đều gửi gắm những thông điệp mang ý nghĩa nhân văn về con người, về môi trường… được thể hiện bằng ngôn ngữ của nhiều hình thức múa rối như rối bóng, rối nước, rối que, rối tay, rối mặt nạ…
 
Đó là vở rối sinh động, hài hước của Đoàn nghệ thuật Pháp trong ngày mở đầu Liên hoan; sự hấp dẫn, sáng tạo nhưng vẫn đậm văn hóa truyền thống Việt Nam trong vở “Trê - cóc” của Nhà hát múa rối Việt Nam; sự đơn giản nhưng tinh tế trong thể hiện của đoàn rối Brazil; những cách biểu diễn ước lệ của đoàn nghệ thuật Lào, Thái Lan; hay vở diễn được thiết kế hoành tráng kết hợp cả rối nước và rối cạn trong vở “Công chúa tóc mây” của Nhà hát múa rối Thăng Long, Hà Nội…
 
Với những nét văn hóa đặc trưng của các quốc gia thông qua nghệ thuật múa rối, khán giả Thủ đô đã có một “bữa tiệc” nghệ thuật nhiều màu sắc và hấp dẫn. Không những vậy, “bữa tiệc” ấy còn được lan tỏa đến tỉnh Vĩnh Phúc, Ninh Bình, mang đến nhiều niềm vui cho hàng nghìn khán giả ở các địa phương.
 
Hân hoan niềm vui
 
Đánh giá về liên hoan, NSND Vương Duy Biên - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cho rằng, các tiết mục mang đến dự thi đã cho thấy lòng yêu và say mê nghề của các nghệ sĩ quốc tế cũng như của Việt Nam. Điều đó không chỉ thể hiện ở kỹ thuật múa rối ngày càng điêu luyện, hấp dẫn mà còn thể hiện ở tinh thần, tư tưởng mà các vở diễn mang lại. 
 
Nhiều tiết mục có sự sáng tạo, đan xen, phối hợp các loại hình nghệ thuật khác để làm phong phú đa dạng thêm nhưng không làm mờ nhạt bản chất vốn có của rối. Một số chương trình của các nghệ sĩ nước bạn mang đến sự bất ngờ, thú vị.

 

Liên hoan mang đến niềm hân hoan của các nghệ sĩ múa rối quốc tế và Việt Nam.
Liên hoan mang đến niềm hân hoan của các nghệ sĩ múa rối quốc tế và Việt Nam.
 
Dù vậy, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cũng chỉ ra một vài hạn chế, đó là nhiều vở diễn còn rườm rà trong lời thoại nên chưa phát huy được tối đa ngôn ngữ hình ảnh, hành động của các con rối; một số vở vẫn áp đặt ý chủ quan của đạo diễn vào nhân vật mà thiếu đi sự gợi mở cho khán giả…
 
NSND Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng Ban tổ chức nhận định, liên hoan múa rối quốc tế kết thúc đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp không chỉ với khán giả mà còn đối với các nghệ sĩ quốc tế. Điều lớn nhất mà liên hoan mang lại đó là, nghệ sĩ và lực lượng sáng tạo nghệ thuật của các nước có thêm nhiều bài học kinh nghiệm để đưa nghệ thuật múa rối ngày càng phát triển hơn nữa trong dòng chảy văn hóa, nghệ thuật của mỗi quốc gia.
 
Trong xu hướng giải trí có nhiều thay đổi, nghệ thuật truyền thống của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới gặp không ít trở ngại trong việc hấp dẫn khán giả, liên hoan chính là “đòn bẩy” để nghệ sĩ các nước thêm vững tin trong việc tìm tòi sáng tạo mới, hấp dẫn khán giả trẻ.
 

Các giải thưởng tại Liên hoan múa rối quốc tế lần V - 2018 tại Hà Nội: 
 
- Huy chương vàng: Vở rối nước “Trê - cóc” (Nhà hát Múa rối Việt Nam); “Âm thanh của nhà tôi” (Đoàn múa rối Quốc gia Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào). 
 
- Huy chương bạc: “Công chúa tóc mây” (Nhà hát Múa rối Thăng Long), “Gaspard” (Đoàn múa rối Une Tribu Collectif Vương quốc Bỉ), “Cây đàn kỳ diệu” (Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng).
 
- 7 Huy chương vàng và 13 Huy chương bạc và các giải cho thành phần sáng tạo xuất sắc: 
 
+ Đạo diễn xuất sắc: NSƯT Nguyễn Phương Nhi - NS Bạch Quốc Khanh (Nhà hát múa rối Thăng Long - Vở Công chúa tóc mây); 
+ Tạo hình con rối xuất sắc: Đoàn múa rối Quốc gia Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; 
+ Trang trí sân khấu xuất sắc: Ngô Thắng (Nhà hát múa rối Việt Nam - vở rối Trê - Cóc); 
+ Âm nhạc xuất sắc: Đoàn nghệ sĩ múa rối vương quốc Campuchia; 
+ Trang phục xuất sắc: Phường múa rối Tookkatoon (Vương quốc Thái Lan); 
+ Giải Tài năng trẻ xuất sắc đã thuộc về cậu bé 10 tuổi Christian Elijah G. Lunaria (Đoàn múa rối Lunaria, Cộng hòa Philippines) + Giải Chương trình ấn tượng: “Sông nước phương Nam” (Nhà hát nghệ thuật Phương Nam).

 

Theo Hà Nội Mới