11:10, 16/10/2018

Nhà cha mẹ, ta sẽ về lợp lại

Tôi không nhớ thơ của ai. Lúc đầu cứ nghĩ là thơ Chế Lan Viên, nhưng tìm mãi trên mạng không thấy. Hóa ra, đó là hai câu thơ của Việt Phương trong bài "Thành phố của ta như người đồng đội", bài thơ viết về Hà Nội thời chiến tranh chống Mỹ, sáng tác tháng 9-1967.

Có hai câu thơ thỉnh thoảng tôi nhẩm đọc:


“Nhà cha mẹ, ta sẽ về lợp lại


Mùa thu này ta ngủ với trời xanh”


Tôi không nhớ thơ của ai. Lúc đầu cứ nghĩ là thơ Chế Lan Viên, nhưng tìm mãi trên mạng không thấy. Hóa ra, đó là hai câu thơ của Việt Phương trong bài “Thành phố của ta như người đồng đội”, bài thơ viết về Hà Nội thời chiến tranh chống Mỹ, sáng tác tháng 9-1967. Đó là hai câu thơ làm đẹp thơ Việt Phương rất nhiều. Vâng, hai câu thơ có thể làm đẹp cho một nhà thơ. Hà Nội ngày ấy, bom đã rơi trên nhiều mái phố, nhà cha mẹ trốc mái nhưng người con trai lại phải ra trận. Hai câu thơ ấy là lời hứa của đứa con trai, lời hứa có thể không bao giờ được thực hiện nếu đứa con trai ấy hy sinh. Thì ra, cái ám ảnh tôi từ hai câu thơ này là những gì có thể ẩn giấu sau nó. Ngẫm ra, có thể rất đau lòng. Nhưng câu thơ thứ hai lại đầy chất giang hồ lãng tử, nó khiến ta như tạm quên điều đau buồn có thể xảy ra. “Mùa thu này ta ngủ với trời xanh” là câu thơ tuyệt bút, nó vừa chấp nhận vừa thách thức, mà thi ảnh lại lung linh thăm thẳm. Có lẽ chỉ vào đúng thời điểm ấy, khi Hà Nội phải căng mình trong tiếng còi báo động, khi nhiều sân thượng trong thành phố trở thành nơi đặt ụ súng phòng không của dân quân tự vệ, khi cái căng thẳng bên ngoài không làm nứt gãy cái thanh thản bên trong, Việt Phương mới có được hai câu thơ đó.

 


Còn nhớ, cũng vào đúng thời gian ấy, tôi đang học năm thứ 3 Đại học Tổng hợp Văn, và cũng vừa in được bài thơ đầu tiên trên tạp chí Văn nghệ quân đội số tháng 8-1967, bài thơ “Theo chuyến tàu đi”. Ngày ấy, thơ miền Bắc rất đậm chủ đề đưa tiễn, điển hình là bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” của Nguyễn Mỹ được viết vào năm 1964, gần như là bài thơ mở đầu cho dòng “thơ chia ly”. Tháng 8-1964, Mỹ lần đầu đánh bom miền Bắc, mở đầu cho “Những cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ”, khi những đoàn quân “Nam tiến” lại rầm rập lên đường. Còn mùa thu 1967, chiến tranh đã lan tới vùng trời và mặt đất Hà Nội. Có cảm giác như gương mặt thành phố sắt lại, trầm tĩnh, giấu kín bên trong những đau đớn. Cao điểm những đợt đánh bom của Mỹ vào vùng ven Hà Nội cũng đến vào mùa thu năm ấy. Phố phường sơ tán, nhưng những quán bia hơi vỉa hè vẫn còn, dù không tấp nập người uống như trước. Những anh tự vệ thành mũ gắn sao vuông thỉnh thoảng ghé quán bia hơi tu vội cốc bia, rồi nhanh chóng tản ra trong một nhịp điệu vừa hối hả vừa bình thản. Những đứa sinh viên như chúng tôi sau khi nghe lời kêu gọi của Bác Hồ đã viết đơn tình nguyện vào quân đội. Có một đợt tuyển quân trong sinh viên vào dạo ấy. Những toa tàu màu đen lại lầm lũi chở bộ đội đi về phương Nam. Thỉnh thoảng trên các đường quốc lộ lại gặp những dàn tên lửa của bộ đội phòng không được ngụy trang lá xanh đang hành quân. Điện Hà Nội vẫn sáng nhưng khá chập chờn, và nhà máy điện Yên Phụ thì căng mình chờ bom và tên lửa Mỹ. Và ở con phố nhỏ này đã có những ngôi nhà tốc mái. Có phải Việt Phương đã đi qua những dấu tích chiến tranh còn nóng bỏng ấy để viết câu thơ “Nhà cha mẹ, ta sẽ về lợp lại”. Rưng rưng một niềm xúc động chưa thể gọi tên. Đúng là trong những năm đó, Hà Nội đã cầm súng chiến đấu trong xúc động. Mỗi buổi sáng, người ta lại chờ đợi những bài thơ mới in trên báo giấy. Báo Văn nghệ và tạp chí Văn nghệ quân đội trở thành món ăn tinh thần thiết yếu của người Hà Nội. Vì sao thơ lại mãnh liệt như thế trong chiến tranh, thật cũng không ai giải thích nổi. Có những luồng xúc cảm chạy trên những đường phố vắng người, nơi những chiếc lá vàng mùa thu vẫn bình thản rụng xuống, và màu trời trước mỗi cơn báo động vẫn xanh ngăn ngắt.


Những ngày tháng đó, từ nơi sơ tán chúng tôi vẫn thèm khát được về Hà Nội, dù chỉ bạn bè đi với nhau một đoạn phố, hay uống một cốc bia hơi. Tin chiến sự hàng ngày là bản tin người Hà Nội quan tâm nhất. Những đứa trẻ Hà Nội bắt đầu lớn lên trong thiếu thốn nghèo cực nơi sơ tán. Những bà mẹ lại mang giỏ lương thực còm trên chiếc xe đạp cà tàng về sơ tán tiếp tế cho con. Bây giờ nhớ lại, bỗng dưng tự hào một cách vô cớ: vào mùa thu năm 1967 ấy, mình cũng đã từng “ngủ với trời xanh” trong một lần đạp xe hơn trăm cây số từ nơi sơ tán về Hà Nội. Chả lẽ tự hào vì dạo đó đói quá bọn bạn phải cử mình về Hà Nội xin tiền cha mẹ tiếp tế hay sao? Chỉ biết, được về Hà Nội là sướng rồi, bất kể đang chiến tranh. 

 
Có lẽ, mùa thu ấy là thời điểm Hà Nội đẹp nhất trong mọi thời?


Thanh Thảo