10:10, 12/10/2018

Như lá rụng về cội

70 tuổi, hơn 40 năm ông sống ở phố, lại là một thành phố ở miền Nam, cách xa nơi ông sinh ra cả ngàn cây số. Cuộc sống ở phố có lúc này lúc kia, nhưng cũng đủ làm ông yên lòng với gia đình nhỏ nhoi của mình.

70 tuổi, hơn 40 năm ông sống ở phố, lại là một thành phố ở miền Nam, cách xa nơi ông sinh ra cả ngàn cây số. Cuộc sống ở phố có lúc này lúc kia, nhưng cũng đủ làm ông yên lòng với gia đình nhỏ nhoi của mình. Niềm vui của ông ở thành phố cũng chỉ quẩn quanh với việc mỗi ngày đưa đón cháu đi học, tẩn mẩn làm và cùng chơi với cháu những trò chơi mà ông chơi thuở bé, từ con diều giấy, cung tên, hay cây đàn ghita ông đẽo bằng gỗ và mua dây đàn gắn vào làm cháu thích mê... Bên ông còn có những người bạn già đồng hương, cứ dăm bữa lại gặp nhau, uống với nhau chén trà, cà phê, kể chuyện thời xưa...

 

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.


Nhưng có một điều ông chẳng bao giờ quên, đó là năm nào ông cũng về quê.


Quê ông ở miền Bắc. Ông ở cách xa nơi ấy mấy mươi năm rồi, nơi có ngôi nhà nhỏ nhưng vườn trước vườn sau nằm ở cuối cùng của con ngõ, quay lưng ra đường, trước mặt là sông. Mấy mươi năm ấy, dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, năm nào ông cũng về ít nhất 2 bận. Bao nhiều tình yêu thương, đạo hiếu ông gói gọn trong dăm bảy ngày phép ấy hoặc tranh thủ thời gian ghé về thăm nhà mỗi bận đi công tác, dẫu có khi chỉ ở được nửa ngày. Rồi thì cũng bấy nhiêu tình yêu thương, chừng như có cả giọt nước mắt len lén rơi của mẹ, của chị khi ông đi. Nhưng không có cái gật đầu nào của bố ông đồng ý chuyển vào Nam để cả nhà đoàn tụ, để ông tiện chăm sóc gia đình, ngoài cái lần ông bà vào cưới vợ cho ông và chăm cháu đầu lòng. Để rồi đều đặn mỗi năm ông lại mấy bận ngồi tàu làm những chuyến trở về.


Và những lần trở về ấy ông đều nhớ như in. Có năm ông về tranh thủ lát dăm phiến đá dưới bến cho khỏi bùn. Có năm về trúng mùa mưa, con ngõ đường đất lầy lội bùn, thế là lần sau về ông mướn thợ đổ bê tông đoạn đường dẫn vào nhà mình. Mỗi bận trước khi đi, ông lấy chổi quét sạch con ngõ đầy lá nhãn rụng như quét cho cả khoảng thời gian ông không có mặt ở nhà, dẫu biết rằng chỉ vài bữa sau khi ông đi nó lại đầy lá nhãn rụng. Đợt nghỉ phép dài ngày, ông về xây lại cái nhà xập xệ, làm lại cái sân. Bố mẹ vui, còn ông cũng an lòng hơn khi ở xa, không phải trăn trở ngoài ấy mỗi mùa giông gió...


Những năm sau này, bố mẹ mất, ông vẫn giữ thói quen trở về quê. Về để ra mộ thắp cho đấng sinh thành nén hương, về còn vì người chị cả lỡ thì, ở vậy với đứa con gái nuôi thay ông trông coi, nhang khói cho ngôi nhà từ đường ấy. Vậy nên, ông luôn có lý do và tạo lý do để được về. Về ngày giỗ bố, giỗ mẹ. Có năm ông về dịp thanh minh, sửa sang mồ mả. Chả là chị điện vào bảo, con đường làng bây giờ được thảm nhựa, ngôi mộ tổ lọt thỏm xuống so với mặt đường, chú tính thế nào. Thế là ông lại về để cùng chị nâng mộ tổ. Có lúc ông về sửa cái máy bơm, nạo vét cái bể nước mưa lâu ngày, rồi làm đường dẫn nước máy cho chị. Cũng có năm, ông về ăn Tết ở quê. Năm đó ông vui lắm. Mình ông cặm cụi gói bánh chưng, bánh giò như thuở xưa. Chỉ 2 cặp bánh với 1 cây giò thủ, cũng canh lửa luộc nồi bánh ngày ba mươi. Nhà ít người, ăn uống bao nhiêu, quan trọng là cái không khí Tết quê trong lòng ông và cả chị ông. Để khi vào Nam, ông lại bứng theo cây gừng, cây nghệ trồng ở mé sân. Để mùi vị nồi cá kho lá gừng của chị cứ len lỏi vào tận trong Nam cùng ông.


Năm ngoái, ông vui lắm khi con trai và con dâu đưa cháu cùng theo về, bảo cho vợ con biết quê chồng. Trên đường đi taxi về nhà, ông chỉ cho con dâu kia là mộ tổ nằm bên ruộng lúa cạnh đường cái, bố mới nâng lên năm nào. Con đường kia dẫn vào nghĩa trang dòng họ. Xa xa kia là con sông chảy phía trước nhà mình. Rồi ông dẫn con đi thăm thú, chào hỏi bà con, ra mộ thắp nhang cho ông bà. Con dâu người miền Nam, vậy nên, sáng sớm, ông dẫn ra chợ làng cho biết cái cảnh bán buôn của làng quê miền Bắc. Cái chợ nhỏ xíu, chỉ mươi hàng quán, nhìn đâu cũng toàn người quen, đi đến đâu cũng gật đầu chào hỏi bác lại về thăm quê đấy ư ? Bác ở lâu không, hôm nào cháu mời bác về nhà chơi. Cái tình ở quê là thế ấy.


Rồi ông lại cùng đứa cháu loanh quanh ở bến sông trước nhà. Con sông ngày xưa ông lặn ngụp tôm cá ấy, mỗi năm cứ đục dần, lềnh bềnh rác và lục bình trôi. Vậy mà ông vẫn cần mẫn dắt cháu đi bắt cào cào làm mồi rồi ngồi câu cá cùng cháu, cho dù cả buổi chả được con nào. Mà có khi qua đó ông như sống lại một thời tuổi thơ của mình. Tuổi thơ bơi qua phía bên kia bờ sông, hái trộm mấy trái cà của làng bên... Chỉ là ông đọc được niềm vui trên gương mặt rạng ngời, hớn hở của cháu, ấy là được thỏa cái thú khám phá những điều mới lạ của tuổi thơ - nhưng là tuổi thơ gắn với ruộng đồng của đứa cháu nội ở thành phố quanh năm chỉ biết học hành, hay quẩn quanh với ti vi, với thế giới game. Đêm về, cháu lại hỏi ông chán chê khi lắng tai nghe những lời nỉ non của lũ dế, hay dàn đồng ca của lũ ếch nhái ngoài đồng. Ngẫm mà thấy tuổi thơ ông thiếu thốn chứ chẳng đủ đầy nhưng lại may mắn hơn cháu nhiều, với một trời ăm ắp kỷ niệm. Thế nên, ông càng vui khi cháu thủ thỉ bảo năm sau nghỉ hè cháu lại theo ông về quê.


Giữa năm vừa rồi ông lại về quê giỗ bố. Về, lại nghe chị gái kể ông này, bà nọ trong họ hay xóm bên đã không còn. Đến mộ thắp nén nhang mà ông thấy lòng chung chiêng. Ừ thì tuổi già biết đâu mà lần.


Hôm rồi, trời đổ mưa. Nhìn làn mưa trắng trời, ông lại muốn về quê. Ấy là bởi vừa rồi ngoài đó có bão. Gọi điện về hỏi thăm, chị ông bảo vườn tược cây đổ ngã hết, xác xơ. Ông muốn về để khơi lại luống rau, dọn dẹp lại mảnh vườn cho chị. Như đọc được tâm tư ông, mấy đứa con bảo, bố muốn về lúc nào cũng được, chỉ ngồi máy bay chưa tới 2 tiếng là đến nơi. Bố còn về được nghĩa là còn khỏe...


Nghe con nói, ông thấy lòng mình thật nhẹ. Người già mà, như lá rụng về cội ấy thôi.


B.THUẦN