08:09, 28/09/2018

Hàng xóm cũ

1. Hầm cầu nhà tôi đầy. Đang lúc lúng túng thì có người chỉ đến Công ty Dịch vụ vệ sinh Bình Tâm tại địa chỉ X

1. Hầm cầu nhà tôi đầy. Đang lúc lúng túng thì có người chỉ đến Công ty Dịch vụ vệ sinh Bình Tâm tại địa chỉ X.


Tiếp tôi là một phụ nữ có khuôn mặt đôn hậu trông rất quen nhưng tôi không thể nhớ đã gặp ở đâu. Sau khi ký hợp đồng, chị nhìn thẳng vào tôi: “Trời ơi! Hàng xóm với nhau mà cũng không nhớ à?”. Thấy tôi gật đầu nhưng vẫn ngờ ngợ, chị cười nhẹ. Nụ cười rạng rỡ chớ không hiu hắt như trước.


2. Ngày ấy, tôi ở cùng ba mẹ trên một con phố nhỏ. Nhà chị sát nhà tôi nên chúng tôi hay qua lại và trở thành hàng xóm thân thiết. Tuy chị đang làm việc trong một cơ quan nhà nước, nhưng buổi tối chị thường ra biển bán bắp nướng để có thêm thu nhập, lo thuốc thang cho chồng đang bị ung thư gan giai đoạn cuối, nuôi ba đứa con nhỏ dại cùng mẹ chồng già yếu và ba đứa em chồng. Những sớm tinh mơ, chị thức dậy, sắp xếp quang gánh đi bộ (vì có cái xe đạp cũng đã bán rồi) vào tận rẫy chọn mua bắp. Để bắp ở nhà cho mấy bà cháu chuẩn bị tối đi bán, chị vội vã đến cơ quan cho kịp giờ làm. Thấy vậy, có lần tôi ái ngại hỏi: “Sao chị không thuê xe ôm hay ba-gác cho đỡ cực?”. Chị cười nhẹ: “Được mấy đồng lãi đâu mà xe ôm hay ba-gác hả em?”.


Khi bắp hết mùa, chị lại tất bật với chảo chuối chiên, khoai lang chiên… mỗi tối. Đây là những món ăn dân dã rất được ưa thích trong những ngày lạnh. Nhưng cũng không thể tránh những lúc gió mưa bất chợt, khách vắng, hàng ế…, cả nhà chị phải ăn bắp, khoai trừ bữa. Nhiều khi thấy tội nghiệp, tôi và những người cùng phố chạy sang mua giùm mỗi người một ít.


Nhưng rồi, dù rất cố gắng, chị vẫn không thể cứu được chồng. Anh ra đi, để lại cho chị một gia đình nheo nhóc. Chị đành bán nhà, chuyển đi đâu không rõ.


3. Công việc hút hầm cầu giải quyết nhanh gọn khiến tôi rất hài lòng. Các công nhân của Công ty Bình Tâm làm việc không chỉ chuyên nghiệp mà còn rất nhiệt tình, chu đáo. Tôi tranh thủ lúc rảnh ghé qua công ty để nói lời cảm ơn chị, phần khác cũng muốn biết về sự thay đổi của chị, từ người hàng xóm nghèo khó xưa thành giám đốc Công ty Bình Tâm bây giờ.


Chị bảo, có lẽ cuộc sống của chị còn rất khó khăn nếu như không có một sự cố, giống y chang sự cố mà tôi vừa gặp mấy hôm trước. Lần đó, hầm cầu nhà chị cũng bị tắc. Sau nhiều lần gọi dịch vụ mà người ta cứ hẹn đợi, chị đành thuê người múc từng xô chất thải cho vào thùng, đem đi đổ với giá rất đắt. Từ chuyện này, chị nảy ra ý tưởng kinh doanh dịch vụ môi trường.


Sau khi suy nghĩ, cân nhắc, bàn bạc với cả nhà, chị xin nghỉ việc, thế chấp căn nhà đang ở, vay ngân hàng, người thân và bạn bè một số tiền, mua xe bồn hút hầm, thành lập Doanh nghiệp tư nhân Bình Tâm, chuyên ngành dịch vụ vệ sinh môi trường. Nhanh gọn, chuyên nghiệp, chu đáo, tận tâm, không ngại hẻm chật, đường xa… Tất cả những điều đó đã khiến công ty nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khách hàng. Nhờ thế, chỉ sau 2 năm, không chỉ trả được hết nợ, chị còn tích lũy để từng bước phát triển doanh nghiệp. Giờ chị đã thực sự “xóa đói giảm nghèo” rồi! - chị cười rất tươi khi tiễn tôi ra cửa.


4. Câu chuyện về chị chưa dừng lại ở đó. Một ngày Chủ nhật, khi dự đám cưới cô bạn tại nhà hàng có tên Hạnh Phúc, tôi lại bất ngờ gặp chị. Trong chiếc áo dài xanh thêu hoa nền nã, trông chị thật duyên dáng khi đứng trên sân khấu, với tư cách chủ nhà hàng, nói lời chúc phúc cho đôi uyên ương. Nhìn chị thật khác xa người phụ nữ lam lũ bán bắp ngoài biển mấy năm trước.


Tan tiệc, tôi tìm gặp chị. Ánh mắt bừng sáng, nụ cười dịu dàng, chị lắc đầu khi nghe tôi khen giỏi: “Chị chỉ hết sức cố gắng thôi em à!”.


Nguyên cớ để chị mở nhà hàng này là có lần về quê, chị chứng kiến cảnh người dân phải chia làm nhiều đợt tiếp khách vì không đủ chỗ ngồi. Từ đó, chị luôn ao ước có một địa điểm rộng rãi để người dân có thể tụ tập vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa, tổ chức hội họp, làm tiệc sinh nhật, đám cưới… Nghe chị trình bày ý tưởng và nguyện vọng, lãnh đạo UBND xã rất tán thành. Họ giới thiệu cho chị một vùng đất hoang vắng. Một lần nữa, chị dùng tất cả tài sản thế chấp ngân hàng, vay một số tiền lớn để bắt tay thực hiện việc xây dựng nhà hàng Hạnh Phúc.


Công việc đầu tiên là lấp mặt bằng cho những cái đầm rộng hàng trăm mét vuông, có nơi sâu đến 3m. Tiếp đến là cải tạo, tạo ra một môi trường thật xanh. Chị tìm mua các loại cây thích hợp với vùng biển như: dừa, phi lao, keo, tràm… Khi nhà hàng Hạnh Phúc khai trương, mở cửa đón khách cũng là lúc những khoảng phi lao xanh mướt, những khu vườn đủ các loài hoa và rực rỡ sắc màu… đã mơn mởn bao quanh khuôn viên rộng hơn 6.000m2 của vùng đất từng một thời hoang dã. Không gian mát rượi và thoáng đãng, vị trí thuận lợi, dịch vụ chu đáo, chất lượng món ăn tốt, giá rẻ so với mặt bằng xung quanh, nhà hàng của chị được khách hàng xa gần nồng nhiệt chào đón.


Tôi ra về, nhớ câu nói khi chị kết thúc câu chuyện: “Chị chỉ hết sức cố gắng thôi em à” mà thầm cảm phục người hàng xóm cũ.


. Truyện ngắn của Trần Thị Thảo Duy