11:09, 21/09/2018

Lồng đèn ơi…

Mùa Trung thu đầu tiên không có cha, thằng bé mười tuổi được cả nhà xúm lại cưng như một ông hoàng nhỏ. Ai cũng muốn dành cho nó món quà đẹp nhất, ưng ý nhất mà nó chọn lựa. Nhưng, nó chần chừ mấy ngày rồi nói với mẹ "hay má chở con đi lòng vòng coi thử rồi từ từ con chọn sau".

Mùa Trung thu đầu tiên không có cha, thằng bé mười tuổi được cả nhà xúm lại cưng như một ông hoàng nhỏ. Ai cũng muốn dành cho nó món quà đẹp nhất, ưng ý nhất mà nó chọn lựa. Nhưng, nó chần chừ mấy ngày rồi nói với mẹ “hay má chở con đi lòng vòng coi thử rồi từ từ con chọn sau”.

 

Ảnh: M.K


Mẹ nó nghe mà tủi thân cho chính mình. Cái quyền được chọn lựa một món đồ chơi theo ý muốn cho riêng mình là điều mà suốt cuộc đời con nít của mẹ nó chưa bao giờ nghĩ tới, đừng nói là được thúc hối để người thân của mình thực hiện. Chỉ có mỗi dịp Tết Trung thu là đứa nào có phần đứa đó, không hơn không kém. Nhà tôi vốn tôn trọng phong tục cổ truyền, dù khó khăn nhưng lễ nào ra lễ đó. Trước rằm tháng Tám đúng một tuần mẹ tôi mới từ buổi chợ trưa mang về mấy cái lồng đèn xếp be bé, loại làm bằng giấy bản dập ly xếp quay tròn có vẽ hình sặc sỡ, và một nắm đèn cầy đủ màu. Mẹ tôi lý luận, mua sớm thì lỡ làm cháy, mất chơi, mua trễ thì chơi có mấy ngày bỏ uổng. Đèn xếp còn dễ thắp đèn cầy vào trong, ba cái đèn trái bí, đèn cái nón ngó đẹp vậy chớ bít bùng, nghiêng một cái là cháy liền. Chị em tôi chỉ dám ngước nhìn những chiếc lồng đèn quý tộc từ xa, trên đường đi học về ngang qua các cửa hiệu. Những cái lồng đèn bằng giấy bóng kính khung tre đủ màu đủ kiểu được sản xuất tại Chợ Lớn ngày ấy thực sự là nỗi thèm khát của trẻ thơ. Con bướm xòe cánh có hai cái râu rung rinh, con rồng uốn mình với cái đầu lúc lắc được, con cá chép với bộ vảy được tô óng ánh, và cả những chiếc đèn kéo quân oai phong lẫm liệt từ từ chuyển động xoay tròn... Trung thu là phải có lồng đèn; bánh trái, ngũ quả, con giống bằng bột đủ màu… có cũng được, không cũng chẳng sao. Con nít gặp nhau chỉ hỏi han khoe khoang chừng nào mày mới có đèn, tao đã có đèn con chim, ông sao, trái bí, tối ra đường đi chơi nghen, má tao nói đợi đến rằm người ta bán không hết thì mình mua rẻ chơi sau cũng được…


Nhưng với những cái đèn xếp rẻ tiền cũng đủ thành cái Tết rồi. Trời vừa tắt nắng là mấy chị em mỗi đứa xách một cái dàn hàng ngang ra cửa ngõ đứng nhìn con nít trong xóm cầm đèn diễu qua diễu lại, từng toán một nối đuôi rồng rắn hò hét inh ỏi. Thỉnh thoảng giữa dàn lồng đèn đơn sơ khiêm tốn cũng có vài cái diễm lệ được rước đi ngang với cả đám con nít tiền hô hậu ủng. Tuy nhiên, những cái lồng đèn làm bằng hai lon sữa bò gắn với que tre dài đẩy đi rổn rảng trên đường mới thật làm náo động, cái lon ở trên được đục lỗ chi chít, bên trong có gắn đèn cầy xoay tít tạo thành luồng ánh sáng loang loáng theo. Đông hơn cả là bọn con nít đi tay không theo đuôi quậy phá với những viên pháo lẻ và dăm cục đá sẵn sàng chọi vào bất cứ cái gì mà chúng thích. Những cái lồng đèn bằng giấy bóng kính đắt tiền thường là mục tiêu của chúng, có khi chúng chỉ vờ ù té xô vào làm cho khổ chủ lảo đảo cũng đủ cho cái lồng đèn bị bắt mồi lửa phựt cháy. Mùi diêm, mùi đèn cầy, mùi tre giấy cháy… đó mới là thứ mùi Trung thu của tuổi thơ tôi.


Sâu đậm nhất, ngọt ngào nhất vẫn là cái đèn xếp hình bình hành không đều được làm từ giấy của cuốn lịch treo tường minh họa sự tích Phật Thích Ca bằng tranh vẽ nhiều màu sắc mà tôi có được năm tám tuổi. Năm đó cha tôi tuyên bố sẽ làm đèn cho mấy đứa con chơi, và ông đã lập kỳ tích sau ba ngày cặm cụi thực hiện giữa sự trầm trồ cổ vũ của cả nhà. Để làm một cái đèn xếp tròn như ngoài tiệm người ta phải có máy dập ly giấy, còn ba tôi chỉ xếp tay, đè, vuốt từng nếp một. Vậy nên dù có tỷ mẩn đến mấy thì mỗi nếp xếp của cái đèn đều to và cứng quèo, chỉ có thể bẻ gập thành bốn cạnh chứ không xoay tròn đều được. Tôi còn nhớ, hồi đó thắp đèn cầy bên trong lên thì nó cũng rọi sáng các hình ảnh in trên giấy, không kém sinh động và ngộ nghĩnh.


Điều bất hạnh đã xảy ra khi tôi chỉ sở hữu được cái đèn xếp yêu quý có một không hai trên đời ấy vỏn vẹn vài phút. Một đứa trẻ nào đó đã ném bừa cục đá vào cái đèn xếp vô tội của tôi. Con bé tám tuổi mới líu lo rước được cái đèn ra tới đầu ngõ, chưa kịp khoe với một đứa bạn nào, trong lòng vẫn còn nôn nao vui sướng; phút chốc đất trời đổ sụp. Má tôi kể, ở tận trong nhà vẫn nghe được tiếng khóc rống thảm thiết từ ngã tư của tôi. Quay về nhà, trên tay con nhỏ chỉ còn que tre xỏ cọng dây kẽm, lủng lẳng phất phơ tàn tích của cái đèn xếp yêu dấu nay chỉ còn là mảnh giấy cháy nham nhở.


Bây giờ thì các nhà sản xuất thay đổi mẫu mã xoành xoạch chứ không để cho các em, các cháu có cơ hội xài lại hàng tồn kho năm ngoái. Biết đi lựng chựng thì có lồng đèn bằng nhựa mềm tua rua ngũ sắc. Lớn chút nữa có king kong khủng long mắt chớp sáng bấm nút phát ra bài hát Tiểu Long Nhân tìm mẹ, đèn sáng trưng từ trong bụng chạy pin tiểu. Không thích bóng kiếng cổ điển thì lại có đèn nhựa mica Đô-rê-mon rồi tới Pô-kê-mon, Tiểu Yến Tử, siêu nhân, người dơi...


Nhưng cái thằng bé con mãi vẫn không chọn cho mình cái lồng đèn nào ưng ý. Mẹ nó đã bắt đầu cau có vì cứ phải cho xe chạy rà rà qua các phố lồng đèn tới lần thứ ba, thứ tư rồi. Người bán cũng nhẵn cả mặt. Nhưng đâu cũng vậy, cũng rặt một mẫu một khuôn hào nhoáng, hiện đại, tiện lợi và vô hồn.


Cuối cùng mẹ nó cũng nạt nó, đèn nào thì lựa cho xong một cái, con người ta không có mà chơi thì mình còn muốn cái gì nữa cơ chứ, có đi khắp nơi cũng chừng đó mẫu mã. Thằng bé xịu mặt buồn xo, con không chơi lồng đèn nữa, má mua cho con nửa ký đèn cầy đủ màu này là được rồi. Tôi tưởng mình nghe nhầm, con nói đèn gì? Đèn cầy, con chơi ở hiên nhà thôi mà, cắm nó vô mấy cái nắp ken rồi dựng đó cho sáng cũng vui lắm má, chị em con Chuột thằng Rim cũng hẹn với con bữa nào Trung thu thắp đèn cầy đổ khuôn chơi, không thích lồng đèn nữa…


ÁI DUY