Hơn 30 năm đã trôi qua, nhiều người yêu nhạc có tuổi mỗi khi nghe bài hát "Mimosa từ đâu em tới" của nhạc sĩ Trần Kiết Tường vẫn nhớ đến Minh Châu - giọng ca không chuyên trong sáng, đầy truyền cảm của một thời. Không chỉ Minh Châu, còn có Tuyết Tuyết, Quỳnh Liên, Thu Hà, Thu Thủy… - những giọng ca nữ để lại dấu ấn không phai cho đến tận hôm nay qua mỗi bài hát họ dành cho công chúng.
Hơn 30 năm đã trôi qua, nhiều người yêu nhạc có tuổi mỗi khi nghe bài hát “Mimosa từ đâu em tới” của nhạc sĩ Trần Kiết Tường vẫn nhớ đến Minh Châu - giọng ca không chuyên trong sáng, đầy truyền cảm của một thời. Không chỉ Minh Châu, còn có Tuyết Tuyết, Quỳnh Liên, Thu Hà, Thu Thủy… - những giọng ca nữ để lại dấu ấn không phai cho đến tận hôm nay qua mỗi bài hát họ dành cho công chúng.
Cuối thập niên 80 tới đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, người nghe nhạc thật ngỡ ngàng khi được nghe giọng ca ấn tượng, trong sáng của cô sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội - Minh Châu. Dù chỉ ở mức phong trào nhưng Minh Châu nổi lên như một ngôi sao với nhiều thành công hiếm có: giải nhất tiếng hát sinh viên năm 1985, tham gia Festival Sinh viên quốc tế Maxcova tháng 12-1985, giải nhất ca nhạc Bông cúc vàng do Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức năm 1990, thi Liên hoan ca nhạc quốc tế tại Hải Nam - Trung Quốc năm 1990. Trên làn sóng phát thanh, truyền hình, Minh Châu sánh ngang với Lệ Quyên, Ái Vân, Lê Dung về nhạc nhẹ. Chưa hết, Minh Châu tham gia nhóm nhạc Bông cúc vàng của Nhà Văn hóa Hữu Nghị cùng với Tuyết Tuyết, Quỳnh Nga, Thanh Tâm nổi đình nổi đám trong công chúng. Khi Minh Châu hát bài “Mimosa từ đâu em tới”, thực sự người yêu nhạc thấy say đắm về giọng ca truyền cảm kỳ lạ này. Từ đó trở đi, biệt danh Minh Châu - mimosa gắn với cô ca sĩ sinh viên này. Cho đến hôm nay, bài hát đó vẫn lưu lại trên làn sóng điện, Internet, người nghe vẫn hoài cảm tuyệt vời về giọng ca này. Tiếc là khi đang lên tới đỉnh cao của âm nhạc, chị rẽ sang hướng khác sau khi lập gia đình với con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Tuyết Tuyết - bạn cùng thời với Minh Châu cũng là giọng ca rất ấn tượng. Chị tham gia sinh hoạt văn nghệ quần chúng, sau đó tham gia các đoàn ca nhạc ở Hà Nội và Khánh Hòa (đoàn Hải Đăng)… Bài hát “Quê hương” (Giáp Văn Thạch - Đỗ Trung Quân) do Tuyết Tuyết thể hiện đã thực sự gây ấn tượng, trở thành một trong những ca sĩ hát hay nhất bài hát này, được đài VOV dùng làm nhạc hiệu chương trình du lịch nổi tiếng được triệu khán giả say mê.
Còn Quỳnh Liên - cô giáo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thực sự làm ngỡ ngàng người nghe với giọng nữ cao ngang như NSƯT Bích Liên. Quỳnh Liên để lại dấu ấn trong công chúng qua 2 bài “Nghe câu quan họ trên cao nguyên”, “Em đứng giữa giảng đường hôm nay”.
Có thể nhắc thêm vài giọng ca hát không nhiều nhưng đều để lại ấn tượng như: Thu Thủy với “Gió chuyển mùa” (Thuận Yến), Thu Hà với “Thả chiều vào tranh” (Vũ Thanh), Chu Thanh Hương với “Về đất Mũi”… Họ đều là những nữ ca sĩ chơi tài tử mà lại thành công, rồi rẽ ngang khiến công chúng thấy khắc khoải tiếc nuối. Đó chính là nét độc đáo của nghệ thuật, bởi với tài năng thiên bẩm, họ đến với nghệ thuật, cống hiến hết mình dù lặng lẽ vẫn thấy quý giá biết bao.
Dương Trang Hương