01:06, 03/06/2018

Nhiếp ảnh gia Nick Út tặng nhiều hiện vật quý cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Chiều 1-6, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) đã tổ chức lễ tiếp nhận hiện vật của nhà báo, nhiếp ảnh gia Nick Út.
 

Chiều 1-6, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) đã tổ chức lễ tiếp nhận hiện vật của nhà báo, nhiếp ảnh gia Nick Út.
 
Nhiếp ảnh gia Nick Út, tên thật là Huỳnh Công Út, sinh năm 1951, tại Long An, là người Mỹ gốc Việt. Năm 16 tuổi, ông bắt đầu làm việc cho Hãng tin Associated Press (AP). Ông là tác giả của bức ảnh em bé Phan Thị Kim Phúc và những đứa trẻ khác bị bỏng do bom Napalm của Mỹ tại Trảng Bàng, Tây Ninh vào năm 1972. Bức ảnh có tên “Em bé Napalm” đã xuất hiện trên trang nhất các tờ báo khắp toàn cầu, được đánh giá đã lột tả sự khủng khiếp và sự thật về cuộc chiến tranh tại Việt Nam với sự can dự của Chính phủ Mỹ. Bức ảnh đã được trao giải thưởng báo chí danh giá của thế giới Pulitzer vào năm 1973 và được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ XX do Đại học Columbia (Mỹ) bình chọn.

 

Nhiếp ảnh gia Nick Út trao hiện vật cho Hội Nhà báo Việt Nam.
Nhiếp ảnh gia Nick Út trao hiện vật cho Hội Nhà báo Việt Nam.
 
Tại lễ tiếp nhận, nhiếp ảnh gia Nick Út trao tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam 2 chiếc máy ảnh Nikon đã được ông sử dụng trong giai đoạn 1966- 1970, hơn 50 file ảnh gốc do ông chụp tại chiến trường Việt Nam cũng như tại nhiều tỉnh thành khác, trong đó có Hà Nội, từ sau năm 1975. Trong số này, có một số bức ảnh chưa từng được nhiếp ảnh gia Nick Út công bố. Trước đây, một số bảo tàng tại Mỹ, Anh cũng đề nghị nhiếp ảnh gia Nick Út trao tặng những hiện vật trên. Tuy nhiên, ông Nick Út đã quyết định trao tặng chúng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam vì cho rằng “đơn giản mình là người Việt Nam nên cần đóng góp điều gì đó cho chính đất nước mà mình sinh ra” như chia sẻ của ông tại lễ tiếp nhận. 
 
Cũng tại lễ tiếp nhận, nhiếp ảnh gia Nick Út đã có cuộc giao lưu ngắn với các nhiếp ảnh gia, báo giới. Tại đây, ông đã kể lại chi tiết về khoảnh khắc ghi lại bức ảnh “Em bé Napalm” trong đó có việc ông ngừng chụp ảnh ngay để cùng một số người khác sơ cứu rồi đưa cô bé Phan Thị Kim Phúc đến bệnh viện để chữa trị vết bỏng. Tại một bệnh viện ở Củ Chi, ông đã phải can thiệp để bệnh viện chữa trị ngay cho cô bé, qua đó cứu sống được cô bé, thay vì chuyển cô bé đến Bệnh viện Nhi Sài Gòn. 

 

Nhiếp ảnh gia Nick Út (trái) chia sẻ với khách tham dự lễ tiếp nhận.
Nhiếp ảnh gia Nick Út (trái) chia sẻ với khách tham dự lễ tiếp nhận.
 
Theo ông Nick Út, nếu đồng ý để chuyển Phan Thị Kim Phúc tới Bệnh viện Nhi Sài Gòn thì cô bé khó qua khỏi do thời gian di chuyển dài trong khi chỉ còn khoảng 1 giờ rưỡi để có thể cứu sống cô bé. Sau khi chắc chắn cô bé được chữa trị, ông Nick Út mới trở về trụ sở để gửi ảnh cho hãng AP. 
 
Tại buổi lễ, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Câu chuyện về tác nghiệp cũng như việc buông máy ảnh để cứu người liên quan đến bức ảnh “Em bé Napalm” thể hiện bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp của nhiếp ảnh gia Nick Út. Đó là bài học chung cho những người làm báo”. Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng mong nhiếp ảnh gia Nick Út tiếp tục đóng góp cho đất nước Việt Nam thông qua các tác phẩm của mình.
 
Theo Hà Nội Mới