Trong lễ Phật đản 2018 tại chùa Long Sơn, có một đoàn Phật tử từ huyện Khánh Sơn xuống dự. Trong số đó có một đoàn thiếu nhi người dân tộc Raglai mặc trang phục của người Mông! Điều này làm cho một số người am hiểu thấy băn khoăn, vì sao các em thiếu nhi người Raglai không mặc trang phục của dân tộc mình mà lại mượn trang phục của dân tộc khác?
Trong lễ Phật đản 2018 tại chùa Long Sơn, có một đoàn Phật tử từ huyện Khánh Sơn xuống dự. Trong số đó có một đoàn thiếu nhi người dân tộc Raglai mặc trang phục của người Mông! Điều này làm cho một số người am hiểu thấy băn khoăn, vì sao các em thiếu nhi người Raglai không mặc trang phục của dân tộc mình mà lại mượn trang phục của dân tộc khác?
Trao đổi với nhà nghiên cứu dân gian Raglai Mấu Quốc Tiến, ông cho biết, quả thực đến giờ này người Raglai ở Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đều rất lúng túng trong việc lựa chọn trang phục cho mình, vì thế họ có thể dùng trang phục của các dân tộc khác là bình thường! Và cho nó phong phú, ông nói thêm.
Trong cuốn sách nghiên cứu văn hóa Raglai của cố nhà văn hóa dân gian Nguyễn Thế Sang có đưa ra một chi tiết rất đáng lưu ý: “Chưa tìm được trang phục gốc của người Raglai!”, tuy nhiên, cũng theo nhận định của ông Nguyễn Thế Sang trong một lần tìm hiểu đã thấy được một cái Cà chăn, mà sau này ông Mấu Quốc Tiến giải thích kỹ đó là một loại váy rộng, dịch ra tiếng Việt là Gachan, tiếng Chăm là Kate! Còn người đàn ông thì đóng khố!
Trở lại với đồng bào Raglai vùng Khánh Sơn, Khánh Vĩnh lâu nay mặc trang phục người Kinh, còn những buổi lễ văn nghệ múa hát thì trang phục tùy thích. Trong một lần phục dựng lễ bỏ mả do nhạc sĩ Hình Phước Liên thực hiện, chúng ta thấy những người đàn ông quấn khăn trắng, phụ nữ mặc áo ngắn có viền dải màu, váy rộng. Và có lẽ chính sự đa dạng về trang phục đã thể hiện rằng người Raglai không có trang phục mẫu gốc như một số dân tộc khác. Nhà nghiên cứu Mấu Quốc Tiến cho rằng người Raglai đã không dệt vải, làm trang phục từ rất lâu nên bị thất truyền trang phục. Chưa kể sự phóng khoáng cũng góp phần cho việc vay mượn nên mới như hiện nay, ai muốn mặc gì thì mặc, kể cả trang phục tiêu biểu của dân tộc khác như trường hợp trang phục người Mông đã nói ở trên.
Khánh Hòa có một đội ngũ các nhà nghiên cứu có trình độ như: Nguyễn Thế Sang, Trần Vũ, Mấu Quốc Tiến… đi sâu văn hóa dân gian Raglai, đã tìm, sưu tầm được bộ sử thi Raglai, bộ đàn đá Khánh Sơn. Chỉ tiếc là không tìm ra được trang phục truyền thống cho đồng bào Raglai!
Lê Đức Dương