Tôi gặp đạo diễn - nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thước (sinh năm 1953, Hà Nội) nhân dịp ông vào dạy lớp tập huấn làm phim phóng sự truyền hình do Hội Điện ảnh mở tại Nha Trang. Ở tuổi 65, ông vẫn trăn trở với phim tài liệu.
Tôi gặp đạo diễn - NSND Nguyễn Thước (sinh năm 1953, Hà Nội) nhân dịp ông vào dạy lớp tập huấn làm phim phóng sự truyền hình do Hội Điện ảnh mở tại Nha Trang. Ở tuổi 65, ông vẫn trăn trở với phim tài liệu.
Một nhà quay phim, đạo diễn tài năng
Tốt nghiệp cấp 3, trong khi nhiều bạn bè mơ ước thành bác sĩ, kỹ sư, Nguyễn Thước lại thi vào trường điện ảnh. Suốt 5 năm học nghề, ông luôn theo các đạo diễn phim truyện, nhưng khi ra trường ông lại chọn về Hãng phim Tài liệu khoa học và Trung ương. Làm nghề rất chắc tay nhưng khi bạn bè cùng trang lứa đã vang danh, ông vẫn chưa có thành tích gì nổi bật. Mãi đến khi cùng đạo diễn - NSND Lê Mạnh Thích làm phim Dòng sông ánh sáng (về thủy điện Hòa Bình), ông mới có giải thưởng đầu tay là Giải quay phim xuất sắc nhất của Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ X tại Hải Phòng năm 1993.
Cũng trong thời gian đó, Nguyễn Thước được tham gia khóa học nâng cao dành cho các nhà làm phim trẻ do Chính phủ Pháp tài trợ; đạo diễn nổi tiếng Robert Kramer trực tiếp giảng dạy. Rồi ông được chọn phụ quay bộ phim Điểm xuất phát của đạo diễn Robert Kramer. Làm việc với các nhà làm phim Pháp, ông đã tiếp nhận những kiến thức mới về xu thế làm phim tài liệu của thế giới, tự rút ra cho mình nhiều bài học mà không trường lớp nào dạy.
Chậm nhưng chắc! Sau đó, Nguyễn Thước đã có những thành công hơn cả mong đợi. Ông cùng với đạo diễn - NSND Lê Mạnh Thích trở thành cặp bài trùng ăn ý với những bộ phim giàu tính hiện thực và nhân văn như: Chìm nổi sông Hương, Trở lại Ngư Thủy… 2 bộ phim này đã giúp ông giành được giải quay phim xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ XI và XII. Thành tích được trao giải Quay phim xuất sắc nhất ở 3 kỳ LHP liên tiếp của ông đến nay vẫn là một kỷ lục chưa ai vượt qua.
Rời máy quay phim sang làm đạo diễn, Nguyễn Thước nhanh chóng tạo được dấu ấn của riêng mình. Bộ phim Niềm tin thế kỷ do ông làm để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX được Hội Điện ảnh Việt Nam trao giải Cánh diều Bạc năm 2002. Chối từ những đề tài cũ kỹ, ông đi tiên phong với những phim có đề tài mang đầy hơi thở cuộc sống như: Sự nhọc nhằn của cát, Những công dân @, Chất xám… Những bộ phim mà ông cùng các cộng sự thực hiện đã gây được tiếng vang lớn, liên tiếp giành giải cao tại các kỳ LHP Việt Nam và giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam. Đặc biệt, bộ phim Đất lạnh ông làm về chủ đề tam nông với cái nhìn trực diện, đa chiều đã được trao giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam XVI năm 2009 tại TP. Hồ Chí Minh.
Nặng nợ với phim tài liệu
NSND Nguyễn Thước tâm sự rằng, nếu bây giờ cho phép chọn lại ông vẫn chọn phim tài liệu. Nhờ làm phim tài liệu, ông được đi nhiều, biết nhiều chuyện, thấu hiểu nhiều vấn đề, nhiều cuộc đời với những số phận khác nhau. Với Trở lại Ngư Thủy, ông biết thế nào là “khổ cực”, khi hòa bình đã 30 năm nhưng những cô gái đại đội pháo binh Ngư Thủy năm xưa nay đã thành bà - vẫn gồng gánh những gánh rau, gánh cá qua trảng cát nóng bỏng giữa trưa hè. Rồi quá trình làm phim Cỏ xanh im lặng (Bông sen Bạc LHP Việt Nam lần thứ XIX năm 2015) đã giúp ông thấm sâu triết lý sống: “Không làm được việc lớn, có thể làm việc nhỏ với tình yêu lớn” mà anh hùng lao động Hồ Giáo là hiện thân thuyết phục nhất…
Với đạo diễn Nguyễn Thước, làm phim tài liệu là một quá trình thay đổi nhận thức mà như ông nói “phải tìm hiểu vấn đề một cách thấu đáo, sâu sắc mới có thể thành công”. “Khi làm phim Không chỉ là thương hiệu bàn về vấn đề thương hiệu Việt Nam, tôi đọc rất nhiều tài liệu, gặp rất nhiều người đang xây dựng thương hiệu từ những sản phẩm cụ thể. Làm phim xong thì tôi hiểu kỹ về vấn đề này và có thể nói chuyện với những doanh nhân đang xây dựng thương hiệu”, ông chia sẻ.
Về hưu đã mấy năm nay, nhưng đạo diễn Nguyễn Thước vẫn trăn trở với phim tài liệu. Theo ông, phim tài liệu của Việt Nam cần thay đổi rất nhiều, cả về cách tiếp cận, cách thể hiện đề tài. Phim tài liệu thế giới thường khái quát những vấn đề lớn từ những lát cắt rất nhỏ, nhân vật rất cụ thể, còn chúng ta hay ôm những vấn đề rất lớn. Đề cập đến thế hệ kế cận, ông bày tỏ: “Tôi đặt niềm tin vào những đạo diễn trẻ tài năng như: Tạ Quỳnh Tư, Nguyễn Thị Thắm, Đoàn Hồng Lê… Phim của họ có nhiều tìm tòi trong đề tài, cũng như cách thể hiện”. Hiện ông đang ấp ủ làm phim về cố bác sĩ Trần Hữu Ngoạn (dựa theo kịch bản của đạo diễn Trần Văn Thủy) - người đã cống hiến hết mình cho bệnh nhân bị mắc bệnh phong. Tôi biết, với Nguyễn Thước, tình yêu với phim tài liệu chưa bao giờ vơi cạn, và cũng có thể nói việc làm phim đã trở thành lẽ sống của đời ông.
THÀNH NGUYỄN