11:10, 03/10/2017

Khó khăn trong việc phát triển hội viên trẻ

Hiện nay, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa có 385 hội viên, sinh hoạt ở các chi hội: Văn học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Sân khấu, Nhiếp ảnh, Văn nghệ dân gian. Những năm gần đây, hội gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển hội viên, nhất là hội viên trẻ.

 

Hiện nay, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Khánh Hòa có 385 hội viên, sinh hoạt ở các chi hội: Văn học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Sân khấu, Nhiếp ảnh, Văn nghệ dân gian. Những năm gần đây, hội gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển hội viên, nhất là hội viên trẻ.


Nhiệm kỳ 2005 - 2009, hội kết nạp được 53 hội viên mới; nhiệm kỳ 2009 - 2014, hội kết nạp được 63 hội viên mới. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, hội chỉ kết nạp được 12 hội viên. Nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho biết: “Việc phát triển hội viên trẻ gặp nhiều khó khăn là tình trạng chung của cả nước chứ không riêng gì Khánh Hòa. Do ảnh hưởng của xã hội nên lớp trẻ ngày càng ít người đến với văn chương nghệ thuật. Chính vì thế, để tìm kiếm được những tác giả trẻ có khả năng sáng tác không phải là điều dễ. Bên cạnh đó, quan điểm của chúng tôi là cần chất lượng hơn số lượng nên không kết nạp một cách dễ dãi”.

 

Một tiết mục trong ngày thơ Việt Nam do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức tại Quảng trường 2-4 Nha Trang

Một tiết mục trong ngày thơ Việt Nam do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức tại Quảng trường 2-4 Nha Trang


Những năm qua, Hội VHNT tỉnh đã có nhiều nỗ lực phát triển hội viên trẻ. Trong đó, hàng năm, Tạp chí Nha Trang dành 2 số (tháng 6 và số Xuân) để đăng tác phẩm của các tác giả trẻ, tuy nhiên số lượng tác giả trẻ không nhiều. Trong đó, khó khăn nhất là việc phát triển hội viên ở các chuyên ngành văn học, văn nghệ dân gian, mỹ thuật. Lý giải cho sự khó khăn trong việc phát triển hội viên ở chuyên ngành Văn học, nhà văn Khuê Việt Trường - Chi hội trưởng Văn học (Hội VHNT tỉnh) cho biết: “Những người trẻ ở thành phố có khả năng thường không đam mê với việc sáng tác. Trong khi đó, một số cây bút ở các khu vực nông thôn yêu thích văn chương thì chất lượng tác phẩm lại không cao, khó phát triển đường dài”. Cũng chính vì quá ít tác giả trẻ nên sau 3 lần tổ chức Hội nghị những cây bút trẻ (vào các năm 2001, 2006, 2008), gần 10 năm nay, Hội VHNT tỉnh chưa tổ chức thêm được cuộc nào. Trên lĩnh vực văn học, dấu ấn của các tác giả trẻ khá mờ nhạt. Những tác giả từng một thời được xem là trẻ như: Quốc Sinh, Lê Đức Dương, Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Trần Quang Huy, Vũ Khuê, Trần Khánh Linh, Lê Đức Quang, Huỳnh Việt Hà, Đào Thị Diễm Tuyết, Phan Văn Lương, Nguyễn Thị Khánh Ninh, Trần Đặng Thanh Hiền, Trần Quang Phong, Lam Hạnh, Mai Trâm… nay đã có tuổi, một số đã không còn theo đuổi việc sáng tác. Những gương mặt mới cũng không nhiều. “Hội VHNT tỉnh rất muốn tổ chức những hội nghị, những cuộc tọa đàm dành cho các cây bút trẻ trên lĩnh vực văn học nói riêng và tác giả trẻ nói chung. Tuy nhiên, số lượng tác giả trẻ quá ít nên chúng tôi không thể tổ chức các sự kiện này”, họa sĩ Trần Hà - Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh nói.


Lãnh đạo Hội VHNT tỉnh cho biết, thời gian tới, hội sẽ tăng cường hoạt động giao lưu VHNT trong các trường học, đưa các chương trình VHNT về tổ chức ở cơ sở để tạo hấp dẫn với công chúng, nhân rộng tình yêu nghệ thuật. “Có thể tới đây, chúng tôi sẽ vận động các trường THPT, cao đẳng, đại học trên địa bàn thành lập các câu lạc bộ về văn thơ trẻ. Chúng tôi sẵn sàng đưa các văn nghệ sĩ giao lưu với các bạn trẻ yêu thích VHNT, để từ đó có thể ươm mầm những tài năng về nghệ thuật”, nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức cho biết.


Liên quan đến vấn đề tìm cách sáng tác, nhà văn Khuê Việt Trường bày tỏ: “Tôi biết nhiều bạn trẻ có khả năng sáng tác khá tốt. Tuy nhiên, vì thiếu môi trường sinh hoạt, thiếu sự động viên khuyến khích nên các em không theo đuổi con đường sáng tác một cách lâu dài và chuyên nghiệp. Tôi nghĩ, Hội VHNT tỉnh nên vận động các trường thành lập các câu lạc bộ, tổ chức các cuộc thi sáng tác về văn chương dành cho tác giả trẻ…”.


 XUÂN THÀNH