05:03, 01/03/2017

Nhạc sĩ Y Phôn Ksor - Chim phí của đại ngàn

Với nhiều người yêu nhạc, Y Phôn Ksor mới đích thực là nhạc sĩ của núi rừng Tây Nguyên. Bởi chỉ khi đủ yêu thương và đủ đau với một vùng đất nào đó, người nghệ sĩ mới nói lên được tiếng nói của một cộng đồng, một xứ sở. Y Phôn Ksor với Tây Nguyên là vậy!

Với nhiều người yêu nhạc, Y Phôn Ksor mới đích thực là nhạc sĩ của núi rừng Tây Nguyên. Bởi chỉ khi đủ yêu thương và đủ đau với một vùng đất nào đó, người nghệ sĩ mới nói lên được tiếng nói của một cộng đồng, một xứ sở. Y Phôn Ksor với Tây Nguyên là vậy!


Anh bạn đồng nghiệp khoe, trong chuyến đi Tây Nguyên vừa rồi được giao lưu cùng nhạc sĩ Y Phôn Ksor, tác giả của các ca khúc mà anh rất thích. “Người nhạc sĩ ấy dân dã, hòa đồng lắm. Ai bảo bài gì cũng hát, ai nhờ đệm đàn cũng chơi”, anh kể. Y Phôn Ksor bao giờ cũng vậy, nhiệt tình và chân chất. Còn nhớ, cuối năm 2013, nhạc sĩ Yphôn Ksor và ca sĩ Y Jack Arul - những nghệ sĩ nổi tiếng của Tây Nguyên đã có chuyến lưu diễn ở Nha Trang với 10 đêm liền ở hệ thống các quán cà phê của Mê Trang. Giữa phố biển se lạnh cuối năm, những người con của đại ngàn Tây Nguyên cất lên tiếng hát hào sảng, khỏe khoắn và đầy đam mê.

 

Nhạc sĩ Y Phôn Ksor hát tại Nha Trang
Nhạc sĩ Y Phôn Ksor hát tại Nha Trang


Khi chim phí cất tiếng


Y Phôn Ksor sinh ra và lớn lên ở buôn Dlei Yang, nơi có ngọn núi Dlei Yang, khởi nguồn của con sông Ea H’leo chảy giữa trái tim Tây Nguyên. Mẹ anh là nghệ nhân thổi đing put, bố anh là tay chiêng cừ khôi, có tiếng ở huyện Ea H’leo, Đắk Lắk. Lên 7 tuổi, anh đã chơi đàn goong thuần thục. 11 tuổi, anh bắt đầu theo cha biểu diễn cùng dàn cồng chiêng của buôn, đi khắp trong vùng. Lớn lên, anh theo học trung cấp thanh nhạc, nhưng khi vừa tốt nghiệp thì phải về quê làm rẫy để phụ em gái nuôi đàn cháu nheo nhóc. Những khi rảnh rỗi, anh lại ôm đàn hát, tập tành sáng tác, mà khán giả chính là những người trong buôn. Bài hát đầu tay của anh là Lời ru mùa lúa, nhưng phải đến năm 1992, khi tham dự trại sáng tác âm nhạc khu vực Tây Nguyên, anh trình làng ca khúc Chim Phí bay về cội nguồn thì giới chuyên môn mới chú ý đến anh.

 
Sau đó, Y Phôn Ksor chuyển về Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk. Giữ vai trò hát bè cho nghệ sĩ Y Moan, nhưng cái nghiệp chính của anh vẫn là sáng tác. Từ đây, anh cho ra đời các ca khúc nổi tiếng như: Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời, Đôi chân trần...; trong đó ca khúc Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời đã làm sửng sốt giới sáng tác bởi chất nhạc, ca từ của nó đậm chất núi rừng. Người đầu tiên hát bài này là nghệ sĩ Y Moan, nhưng chính Y Jack Arul là người khiến ca khúc này được giới yêu nhạc cả nước biết đến. Còn nhớ, ở Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc năm 1997, ca sĩ Y Jack Arul đã khiến nhiều người mê đắm khi cất lên câu hát: “Một mình lang thang trên đất này. Một mình qua sông, qua núi đồi. Theo dấu chân cha ông ngàn đời”.


Nghệ sĩ của buôn làng


Với nhiều người Y Phôn Ksor mới đích thực là nhạc sĩ của núi rừng Tây Nguyên. Kể ra cũng chẳng có gì lạ, bởi anh là người con của buôn làng Dlei Yang, thuộc từng ngọn ngành khe suối của mảnh đất này. Anh đau khi thấy rừng núi Tây Nguyên ngày một mất dần bởi “rừng không gió mát, (là) rừng không tiếng hát”. Nếu không phải người con của rừng núi Tây Nguyên, anh đã không thể nào viết nên những câu: “Cha đi lượm quả ngọt rừng, cho con đỡ đói qua đêm. Cha đi lượm hạt thóc, cho con một bát cơm chiều” (ca khúc Đôi chân trần). Tương tự, ca khúc Cô gái trở về một mình thấp thoáng đâu đó bóng dáng của người em gái ngày ngày lầm lũi lên rẫy: “Cô gái trở về một mình, về với ngọn núi xa. Ánh mắt bay nghiêng chiều…”.


Y Phôn Ksor bảo rằng, với người nghệ sĩ thì hát đâu cũng là hát, nhưng anh vẫn thấy hạnh phúc nhất khi hát cho đồng bào mình nghe. Bây giờ dù đã có nhà ở phố, nhưng cứ cuối tuần anh lại chạy xe máy về buôn Dlei Yang, như thể phải về đó anh mới được tiếp thêm nguồn sống, sức mạnh để chống chọi với sự hỗn tạp của phố phường. Hỏi chuyện sáng tác ca khúc, Y Phôn Ksor cứ thủng thẳng trả lời: “Mình thích thì mình viết thôi”. Anh chẳng bao giờ sáng tác theo kiểu đặt hàng, cảm xúc khi nào đủ “chín” thì anh phải “cất lời”. Anh bảo rằng, những ca khúc nổi tiếng của anh đều được viết ra trong thời kỳ khó khăn nhất - những ngày tháng ôm đàn lang thang khắp buôn làng, ăn nằm cùng khe suối, núi rừng Ea H’leo, Ayunpa, Chư Pưh… Ông trời đã trót bắt anh làm “nghệ sĩ” để cất lên tiếng hát, tâm hồn của cộng đồng mình…


THÀNH NGUYỄN