10:06, 14/06/2016

Vở tuồng Chuyện tình bên tháp cổ: Dàn dựng chưa tới?

Vở tuồng Chuyện tình bên tháp cổ (kịch bản: Nguyễn Sĩ Chức, đạo diễn: Vũ Tiến Thêm) đã chọn được chủ đề rất sâu sắc về tinh thần đoàn kết dân tộc. Đáng tiếc, trong cách dàn dựng lại chưa khai thác sâu câu chuyện tình yêu giữa vị tướng quân người Việt và thiếu nữ Chăm để làm nổi bật chủ đề chính. ....

Vở tuồng Chuyện tình bên tháp cổ (kịch bản: Nguyễn Sĩ Chức, đạo diễn: Vũ Tiến Thêm) đã chọn được chủ đề rất sâu sắc về tinh thần đoàn kết dân tộc. Đáng tiếc, trong cách dàn dựng lại chưa khai thác sâu câu chuyện tình yêu giữa vị tướng quân người Việt và thiếu nữ Chăm để làm nổi bật chủ đề chính.


Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) tỉnh vừa tổng duyệt vở tuồng Chuyện tình bên tháp cổ. Đây là vở tuồng được chọn để tham gia Hội diễn Sân khấu tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 2016 tại TP. Đà Nẵng. Kịch bản vở tuồng này được viết lại từ vở tuồng Thanh gươm giữ nước, được Nhà hát NTTT tỉnh dàn dựng cách đây gần 10 năm. Từ một vở diễn có chủ đề về đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, êkíp dàn dựng đã chuyển hướng sang xây dựng một câu chuyện tình ca ngợi tinh thần đoàn kết giữa 2 dân tộc Việt - Chăm.  “Chúng tôi đánh giá rất cao việc êkíp dàn dựng chuyển chủ đề của vở diễn. Chủ đề về tình đoàn kết dân tộc, lồng vào trong đó còn có cả chủ quyền biển đảo thì đúng là có nhiều nét mới, lâu nay ít vở diễn đề cập đến”, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao bày tỏ.

 

Cảnh trong vở diễn Chuyện tình bên tháp cổ
Cảnh trong vở diễn Chuyện tình bên tháp cổ


Trong vở tuồng, đạo diễn đã chọn những nghệ sĩ xuất sắc để giao vai. NSƯT Kim Hùng khá xuất sắc khi vào vai chúa Nguyễn Phúc Tần; nghệ sĩ Xuân Hùng cũng là sự lựa chọn hợp lý cho vai Bà Tấm; cặp đôi Vy Phương - Thu Đông được giao vai Phạm Hổ - Thiên Nga… Điều đáng tiếc, dù đã có sự chuyển đổi về chủ đề, nhưng ở bản dựng mới lần này, đạo diễn vẫn không thoát ra được khỏi bản dựng cũ. Nhiều người theo dõi đêm tổng duyệt Chuyện tình bên tháp cổ đều nhận xét, đất diễn dành cho chuyện tình quá ít, trong khi đó có nhiều tình tiết không cần thiết, không giúp nhiều cho câu chuyện chính lại được kéo dài. Chẳng hạn, tình huống về cái chết của tướng giữ vùng Trấn Biên của chúa Nguyễn Phúc Tần được diễn trên sân khấu rất kỹ, trong khi chỉ cần một câu nói là có thể đẩy câu chuyện đi tiếp; những đoạn lính cai ngục của Bà Tấm ngồi nói lối giỡn hài với nhau cũng được giữ nguyên như bản dựng gần 10 năm trước. Trong khi đó, đạo diễn để đến cuối hồi ba mới cho cặp đôi nhân vật chính Phạm Hổ - Thiên Nga gặp nhau. Trong một trận thủy chiến, cai đội Phạm Hổ đã đánh tan quân Chăm và cứu được Thiên Nga. Vừa thoát khỏi trận chiến, chưa kịp nói lời nào đã thấy cô gái Chăm nhìn vị tướng quân của chúa Nguyễn đắm đuối, rồi ngả đầu vào nhau… Việc đốt cháy giai đoạn phát triển tâm lý như vậy khiến người xem thấy mối tình giữa Phạm Hổ - Thiên Nga rất khiên cưỡng, không để lại nhiều ấn tượng với người xem.

 

Diễn viên Vy Phương và Thu Đông  vào vai Phạm Hổ - Thiên Nga
Diễn viên Vy Phương và Thu Đông vào vai Phạm Hổ - Thiên Nga


Nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức cho biết, khi chuyển chủ đề ông đã thêm rất nhiều đất diễn cho mối tình giữa đôi trai tài gái sắc, nhưng dàn dựng không đến nên phải cắt bỏ. Ngay chính bản thân ông cũng thấy chủ đề chính của vở diễn chưa được nổi bật như mong muốn. Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Hoa cho biết: “Sau đêm tổng duyệt, Hội đồng nghệ thuật của Sở Văn hóa - Thể thao đã đề nghị cắt bỏ bớt những phần minh họa về cuộc chiến giữa quân chúa Nguyễn với Bà Tấm, tập trung vào nội dung chính của vở tuồng, tô đậm hơn mối tình của cai đội Phạm Hổ và Thiên Nga để làm nổi bật hơn về tinh thần hòa hợp dân tộc”.


Trong nghệ thuật, lịch sử chỉ là cái mốc để người nghệ sĩ sáng tạo nên tác phẩm của mình. Chính vì vậy, thiết nghĩ êkíp dàn dựng cần phải làm nhẹ đi câu chuyện lịch sử về cuộc chiến giữa chúa Nguyễn và Bà Tấm, thay vào đó làm nổi bật hơn nữa câu chuyện tình tuyệt đẹp giữa tướng quân Phạm Hổ và Thiên Nga. Nếu không, việc thay tên cho vở diễn cũng chẳng khác nào là “bình mới rượu cũ”.


 XUÂN THÀNH

 

 


 

Tuồng “Chuyện tình bên tháp cổ” dựa trên nền câu chuyện lịch sử về cuộc chiến giữa quân chúa Nguyễn Phúc Tần với Bà Tấm là vua Chămpa. Giữa thế kỷ XVII, Bà Tấm cho quân đánh vào dinh Trấn Biên (Phú Yên ngày nay) thuộc quyền cai quản của chúa Nguyễn Phúc Tần, chúa Nguyễn sai cai cơ Hùng Lộc Hầu đem quân đánh, chiếm lấy vùng đất từ mũi Đá Bia đến sông Phan Rang và lập ra dinh Thái Khang (Khánh Hòa ngày nay).  Khi bắt được Bà Tấm, chúa Nguyễn đã tha chết cho vua Chăm để tỏ lòng hòa hiếu; đồng thời tác thành mối lương duyên giữa cai đội Phạm Hổ và Thiên Nga - thiếu nữ Chămpa.