10:06, 17/06/2016

Nghề báo trên phim Việt: Chưa mấy ấn tượng

Với những đặc thù riêng, nghề báo là mảnh đất màu mỡ để các nhà làm phim khai thác. Tuy nhiên, gần như chưa có bộ phim nào của Việt Nam khắc họa thành công mảng đề tài này.

Với những đặc thù riêng, nghề báo là mảnh đất màu mỡ để các nhà làm phim khai thác. Tuy nhiên, gần như chưa có bộ phim nào của Việt Nam khắc họa thành công mảng đề tài này.


Khoảng năm 2000, Đài Truyền hình Việt Nam phát bộ phim truyền hình Nghề nguy hiểm (phim Italia). Phim đề cập đến những góc khuất trong nghề báo, sự dấn thân của phóng viên trong các bài điều tra. Bộ phim này đã tạo được sự thu hút, quan tâm theo dõi của khán giả, thổi vào lớp khán giả trẻ về đam mê với nghề báo. Khoảng thời gian sau đó, nhiều bộ phim truyền hình Việt đã chọn đề tài nghề báo để làm phim. Đáng tiếc, tất cả các phim về nghề báo của các nhà làm phim trong nước dường như mới phản ánh được cái vẻ hào nhoáng, những gì người ngoài hình dung về nghề báo.

 

 Phim Nguyệt thực - bộ phim mới nhất về nghề báo được Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng
Phim Nguyệt thực - bộ phim mới nhất về nghề báo được Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng


Bộ phim đầu tiên là Nghề báo (kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn Phi Tiến Sơn) với sự góp mặt của một dàn diễn viên tên tuổi như: NSƯT Tạ Minh Tâm, Hồng Ánh, Hoàng Phúc… Phim đề cập khá sâu về nghề báo với những vấn đề nóng bỏng như: nạn tham nhũng, hối lộ, đạo đức của nhà báo. Đáng tiếc, phim xuất hiện khá nhiều lỗi cơ bản về nghề nghiệp như nhân vật Thúy Bình (được xây dựng như một nhà báo giỏi) điều tra một vụ án quan trọng, nhưng cô lại xin tư liệu của đồng nghiệp và không kiểm tra xem có chính xác hay không; thậm chí, khi nhà báo Đỗ Hòa thâm nhập đường dây mại dâm còn vô tư xưng danh mình là nhà báo...


Sau Nghề báo, năm 2007, phim Phóng viên thử việc lên sóng VTV. Phim khắc họa hình ảnh những người bước vào nghề với nhiều khó khăn, cạm bẫy trước mặt. Tuy nhiên, sự dễ dãi trong việc thực hiện các cảnh phim cũng như cách thức xây dựng nhân vật khiến nhiều khán giả lên tiếng phản ứng. Tiếp đó, khán giả màn ảnh nhỏ lại được xem phim Đèn vàng (đạo diễn Mai Hồng Phong, kịch bản Thùy Linh - Trần Hoài Nam chuyển thể từ truyện của nhà văn Trần Chiến). Phim khắc họa những mâu thuẫn, giằng xé trong nội tâm của các nhà báo khi đứng trước trách nhiệm “cảnh tỉnh xã hội” của mình và những mong muốn của cá nhân… Không quá đi sâu về chuyên môn nghề báo, Đèn vàng đã vượt qua được những hạt sạn tiểu tiết của nghề báo, nhưng lại mắc vào những lỗi mang tính tổng quan hơn như lời thoại dài dòng, hơi “sến”.


Sau những phim này, phim về nghề báo còn có Tin vào điều không thể, Đàn trời, Mặt nạ da người, Phóng viên vui nhộn… và mới nhất là phim Nguyệt thực. Mỗi bộ phim khai thác một hướng khác nhau, nhưng đều cố gắng để khắc họa nên chân dung của những người cầm bút trong quá trình tác nghiệp. Tuy nhiên, chưa có bộ phim nào phản ánh chân thực về nghề báo, xây dựng được những nhân vật nhà báo để lại ấn tượng với người xem.  Điều dễ nhận thấy trong các phim về nghề báo được làm trong những năm qua đó là cái nhìn khá cũ về nghề báo. Nhiều đạo diễn cho nhà báo mặc những chiếc áo nhiều túi hộp, tay lăm lăm chiếc máy ảnh, máy ghi âm hoặc sổ tay ghi chép như một cách nhận diện người làm báo trong môi trường xã hội; lãnh đạo cơ quan báo chí lịch lãm như doanh nhân, hoặc đạo mạo như thầy giáo… Khi quay  cuộc phỏng vấn, mô típ nhà báo như bề trên với một thái độ trịnh thượng, kẻ cả; trong khi thực tế sinh động hơn nhiều.


Những bộ phim xây dựng chân dung nhà báo một cách hời hợt như vậy khiến khán giả khó có được cái nhìn chân thực về nghề báo. Báo chí có vai trò quan trọng trong xã hội, xã hội càng dân chủ thì vai trò báo chí càng được phát huy. Tuy nhiên, để có được thành công, những tác phẩm báo chí tốt không hề dễ dàng. Thực tế có nhiều nhà báo lăn lộn vất vả, lao tâm khổ tứ với nghề, nhưng các nhà làm phim chưa khai thác được. Những câu chuyện làm nghề báo sinh động không thiếu. Tuy nhiên, do thiếu sự đầu tư, thiếu sự thấu hiểu nghề báo một cách kỹ lưỡng của các nhà làm phim cũng như các diễn viên khiến các bộ phim về nghề báo của Việt Nam hời hợt, nhân vật nhợt nhạt, thiếu sức sống.


THÀNH NGUYỄN