09:07, 07/07/2015

Điểm nhấn từ những triển lãm

Không hẹn mà gặp, 2 triển lãm "Quê hương và con người Khánh Hòa", "Hoàng Sa, Trường Sa Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" được bố trí cạnh nhau ở phía nam Quảng trường 2-4 Nha Trang. Với nhiều hình ảnh đẹp, tư liệu có giá trị, cụm triển lãm này sẽ là một điểm nhấn của Festival Biển 2015.

Không hẹn mà gặp, 2 triển lãm “Quê hương và con người Khánh Hòa”, “Hoàng Sa, Trường Sa Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” được bố trí cạnh nhau ở phía nam Quảng trường 2-4 Nha Trang. Với nhiều hình ảnh đẹp, tư liệu có giá trị, cụm triển lãm này sẽ là một điểm nhấn của Festival Biển 2015.


Nét đẹp xứ Trầm Hương


Những ngày này, Trung tâm Văn hóa tỉnh đang tất bật chuẩn bị các hoạt động trong chương trình Festival Biển 2015 như: thi đấu cờ người, hội bài chòi dân gian, triển lãm ảnh Quê hương và con người Khánh Hòa (từ ngày 10 đến 14-7 tại công viên bờ biển đối diện XQ Nha Trang). Để chuẩn bị cho triển lãm ảnh, trung tâm đã lập hội đồng tuyển chọn những tác phẩm chất lượng để trưng bày. Dự kiến, triển lãm lần này sẽ trưng bày 120 tác phẩm của hơn 20 tác giả, tập trung phản ánh các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, lồng vào trong đó là vẻ đẹp thiên nhiên và con người xứ Trầm Hương.

 

Miền quê thanh bình. Ảnh: Văn Thành Châu
Miền quê thanh bình. Ảnh: Văn Thành Châu

 

Bà Đỗ Thị Thanh Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết, triển lãm sẽ có những tác phẩm phản ánh nét đẹp của thiên nhiên, cảnh vật Nha Trang - Khánh Hòa như: cảnh làng quê thanh bình với những hàng dừa nghiêng soi bên dòng kênh, bình minh Nha Trang, xóm Bóng lúc về chiều... Bên cạnh đó, còn có nhiều khuôn hình sinh động về cảnh sinh hoạt, lao động của người dân xứ Trầm Hương như: cảnh lao động trên đồng muối Ninh Diêm, phụ nữ miền biển vá lưới, chợ đêm Nha Trang... Những người yêu văn hóa có thể tìm thấy nhiều nét đẹp, văn hóa truyền thống qua những tác phẩm chụp về lễ hội Tháp Bà Ponagar, lễ nghinh ông, lễ rước sắc phong đình làng, nghề làm gốm truyền thống…


Hơn tất cả, triển lãm giúp người xem cảm nhận được sức sống mãnh liệt, bước phát triển mới của Nha Trang - Khánh Hòa với những khuôn hình về sản xuất công nghiệp, du lịch rất sinh động như khuôn hình Nha Trang lung linh sắc màu về đêm. “Lần này, ảnh trưng bày sẽ được tráng theo công nghệ mới, chất lượng ảnh sẽ đẹp hơn. Chúng tôi hy vọng, triển lãm sẽ giúp công chúng cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, con người Khánh Hòa”, bà Minh chia sẻ.


Trưng bày tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa


Cùng với triển lãm nói trên, công chúng đang chờ đợi triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu: Hoàng Sa, Trường Sa Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức từ ngày 11 đến 14-7. Theo thông tin của Bộ TT-TT, triển lãm trưng bày các văn bản, bản đồ, hiện vật, hình ảnh khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.


Cụ thể, triển lãm sẽ trưng bày phiên bản của các văn bản Hán - Nôm, văn bản tiếng Việt và tiếng Pháp do triều đình Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương thay mặt Nhà nước Việt Nam ban hành. Các văn bản này khẳng định quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đặc biệt là các châu bản của triều Nguyễn có ghi rõ việc khai thác, quản lý, xác lập và thực thi chủ quyền ở 2 quần đảo này. Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày phiên bản văn bản hành chính của chính quyền Việt Nam cộng hòa ban hành từ năm 1954-1975; phiên bản các văn bản hành chính của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành từ năm 1975 đến nay tiếp tục khẳng định quá trình quản lý hành chính, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như những vùng biển khác.

 

Áp phích giới thiệu về triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.
Áp phích giới thiệu về triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.


Đặc biệt, triển lãm trưng bày 65 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa do Việt Nam và các nước phương Tây công bố từ thế kỷ XVII đến nay. Cùng với đó là bộ sưu tập bản đồ do các nhà nước Trung Quốc xuất bản qua nhiều thời kỳ lịch sử cho thấy Trung Quốc không hề quản lý 2 quần đảo này. Trong đó, đáng chú ý là 4 tập bản đồ (atlas) do nhà Thanh và Chính phủ Trung Hoa dân quốc xuất bản gồm: Trung quốc địa đồ (xuất bản năm 1908), Trung quốc toàn đồ (1917), Trung Hoa bưu chính dư đồ (1919) và Trung Hoa bưu chính dư đồ (1933)...


Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày một số tư liệu, ấn phẩm do các nước phương Tây biên soạn và xuất bản từ thế kỷ XVIII đến XIX có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cùng với đó là những công trình nghiên cứu, ấn phẩm của các học giả Việt Nam và nước ngoài về chủ quyền của nước ta đối với 2 quần đảo này được xuất bản từ năm 1975 đến nay. Phần cuối của triển lãm là bộ sưu tập hiện vật và hình ảnh về công cuộc thực thi chủ quyền và đấu tranh bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa: hình ảnh về các chuyến khảo sát ở Hoàng Sa và Trường Sa giai đoạn 1930 - 1974; nhóm hiện vật của Lữ đoàn 146 Hải quân; vũ khí, trang thiết bị cho lực lượng Cảnh sát biển hiện nay... Đồng thời, triển lãm còn giới thiệu nhiều hình ảnh, tư liệu thể hiện tình cảm, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội, các tổ chức chính trị, các tầng lớp nhân dân đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; những hình ảnh về hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của Trường Sa trong giai đoạn hiện nay.


Theo Ban tổ chức, với nhiều hình ảnh, tư liệu có giá trị, triển lãm có ý nghĩa trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như ý thức đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của người Việt trong và ngoài nước.  


XUÂN THÀNH